Title: Phương tiện và Mục đích
Subtitle: Chủ nghĩa Vô trị phê phán việc chiếm quyền lực nhà nước
Author: Zoe Baker
Language: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
Date: May 22, 2019
Source: Retrieved on 2021-03-01 from https://theanarchistlibrary.org/library/anarchopac-means-and-ends itself retrieved from https://blackrosefed.org/anarchopac-critique-of-seizing-state-power/
Notes: Translator: Anonymous. All footnotes are by the author. See also the video version here: https://www.youtube.com/watch?v=vsRyTWBj84E

Cách chủ nghĩa vô trị phê phán việc chiếm quyền lực nhà nước thường bị bôi bác thành một sự đối lập đạo đức trừu tượng đối với nhà nước, thiếu suy xét đến những thực tế khắc nghiệt mà mọi người đang phải đối mặt. Tuy nhiên, khi đọc kỹ các tác giả vô trị trong lịch sử, dễ thấy lý do thực sự khiến họ cho rằng người làm cách mạng không nên chiếm chính quyền đương thời là bởi việc này không giúp ích gì cho mục tiêu của họ.

Lập luận thực tiễn này bắt nguồn từ hiểu biết xã hội của họ. Những người theo chủ nghĩa vô trị cho rằng, xã hội được cấu thành bởi con người với các hình thái ý thức cụ thể, họ hành động — thực hành năng lực để thỏa mãn động lực — và nhân đó biến đổi cả bản thân lẫn thế giới xung quanh. Ví dụ, một vài chuyển biến cơ bản có thể xảy ra khi người lao động đình công. Họ được phát triển năng lực cá nhân khi học cách tham gia hành động trực tiếp và tự định hướng cuộc sống của mình; thu được những động lực mới, như mong muốn đứng lên chống lại chủ lao động, hoặc trở thành hội viên đóng hội phí của một công đoàn. Ngoài ra, họ còn biến đổi các hình thái ý thức của mình, tức là những cách thức cụ thể mà họ trải nghiệm, khái niệm hóa và lý giải thế giới, chẳng hạn như bắt đầu coi sếp của mình là kẻ thù giai cấp, hoặc nhận ra rằng họ phải đoàn kết và hành động cùng những người lao động khác nếu muốn cải thiện tình hình cá nhân. Tham gia vào những hoạt động như vậy, người lao động không chỉ biến đổi bản thân mà còn phát triển được các mối quan hệ xã hội mới. Họ hình thành mối quan hệ tương trợ và đoàn kết với đồng nghiệp khi chung vai thay đổi các điều kiện xã hội của bản thân, như nhận được mức lương cao hơn hay khiến chủ lao động phải e sợ họ. Đây thường được gọi là lý thuyết thực tiễn (“praxis” hoặc “practice”) nó là một trong nhiều cam kết lý thuyết chung giữa những người vô trị và những người theo chủ nghĩa Mác.

Sự tái sản xuất xã hội cộng sản tự do

Đối với những người vô trị, một trong những hệ quả chính của lý thuyết thực tiễn là một mối liên hệ cố hữu giữa phương tiện và mục đích. Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa vô trị — chủ nghĩa cộng sản tự do — là một xã hội vô chính phủ, không giai cấp và không tiền tệ. Trong xã hội đó, người lao động cùng sở hữu các phương tiện sản xuất, tự quản lý nơi làm việc cũng như cộng đồng của mình thông qua các hội đồng mà trong đó mọi người đều có quyền biểu quyết cũng như có tiếng nói trực tiếp trong các quyết định ảnh hưởng đến bản thân. Các hội đồng này sẽ điều phối hoạt động trên các khu vực rộng lớn bằng cách liên kết lại thành một hệ thống phân quyền, gồm các liên đoàn cấp khu vực, cấp quốc gia và cấp quốc tế, trong đó các hội đồng địa phương tự mình đưa ra càng nhiều quyết định càng tốt. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua các đại hội thường kỳ cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, với sự tham dự của các đại biểu được ủy quyền do các hội đồng bầu ra để đại diện cho họ và cũng có thể triệu hồi ngay tức khắc. Quan trọng là các đại biểu này sẽ không có quyền đưa ra quyết định độc lập và áp đặt chúng lên người khác. Quyền quyết định nằm trong tay hội đồng đã bầu ra họ.

Một xã hội như vậy sẽ được tái sản xuất theo thời gian khi con người tham gia vào các dạng hoạt động trên. Khi liên tục làm vậy, họ tạo ra và tái hiện cả bản thân lẫn các quan hệ trong một xã hội cộng sản, trên tư cách những cá nhân có đủ năng lực, động lực và hình thái ý thức cho một xã hội cộng sản. Ví dụ, dưới chế độ cộng sản, người lao động sẽ đưa ra quyết định thông qua một hệ thống dân chủ trực tiếp trong các hội đồng địa phương, nơi mọi thành viên đều có quyền bỏ phiếu. Tham gia vào các hội đồng địa phương này, họ không chỉ đưa ra quyết định mà còn tái hiện bản thân như những người có khả năng và mong muốn đưa ra quyết định dưới hình thức đó: lập biên bản họp hiệu quả, đưa ra các đề xuất được mọi người ủng hộ, đảm bảo rằng một số ít cá nhân không nói hết phần mọi người trong các cuộc họp.

Những người mong muốn và có thể tái sản xuất một xã hội cộng sản sẽ không tự dưng xuất hiện một cách kỳ diệu. Xã hội cộng sản chỉ có thể xuất hiện qua một cuộc cách mạng xã hội để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, do đó phải được tạo ra bởi những người hiện đang sống trong chủ nghĩa tư bản. Vậy nên, để có một xã hội cộng sản, phần lớn người dân phải tham gia vào các hoạt động đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản, qua đó biến mình thành những người mong muốn cũng như có thể tự quản lý cuộc sống và cộng đồng, thông qua hội đồng địa phương và liên đoàn các hội đồng. Chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể trở thành hiện thực nếu điều này không xảy ra. Bởi lẽ, để chủ nghĩa cộng sản có thể tồn tại, con người phải tạo ra và tái hiện nó ngày qua ngày trong đời thật, thông qua những hoạt động cá nhân của họ.

Do đó, người làm cách mạng phải sử dụng các phương tiện — được cấu thành từ các hình thức thực tiễn — có thể biến các cá nhân thành kiểu người có khả năng và mong muốn thiết lập mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Nếu những làm người cách mạng mắc sai lầm và sử dụng phương tiện sai lầm hoặc không phù hợp, họ sẽ tạo ra những cá nhân xây dựng nên một xã hội khác so với xã hội dự định của họ ban đầu. Như Malatesta nói:

“chỉ ước ao thôi thì chưa đủ. Nếu muốn, ta phải dùng những phương tiện phù hợp để giành lấy mục tiêu. Những phương tiện này không thể tùy tiện; chúng phải tương thích với kết quả mà ta mong muốn, cũng như với hoàn cảnh đấu tranh. Bởi lẽ nếu dùng phương tiện tùy tiện, ta sẽ thu được những kết quả sai khác — thậm chí hoàn toàn trái ngược với mục tiêu ban đầu. Ấy là kết cục hiển nhiên do cách lựa chọn mục tiêu của chúng ta. Khởi đầu với lý tưởng cao cả mà lại đi sai đường, ta sẽ chạm đích nơi con đường dẫn bước, chứ không bao giờ đến được mục tiêu ban đầu.”[1]

Nhà nước — một cấu trúc xã hội

Những người vô trị cho rằng, chiếm chính quyền là con đường dẫn giai cấp lao động đến một hình thức xã hội giai cấp chuyên quyền mới, chứ không phải mục tiêu như dự định của chủ nghĩa cộng sản. Để rõ tại sao, trước tiên ta cần hiểu những người vô trị định nghĩa nhà nước là gì. Qua phân tích sâu về nhà nước — một cấu trúc xã hội đã và đang tồn tại, cả trong lịch sử lẫn đương thời, những người vô trị định nghĩa nhà nước là một thể chế tập quyền và phân cấp, sử dụng vũ lực có tổ chức một cách chuyên nghiệp hòng thực hiện chức năng của nó: tái sản xuất sự thống trị giai cấp. Một nhà nước như vậy được một giai cấp thống trị chính trị (tướng lĩnh, chính trị gia, công chức cấp cao, quân vương, v.v.) lợi dụng cho lợi ích riêng của mình và cho lợi ích của giai cấp thống trị kinh tế (tư bản, chủ đất, v.v.), và chống lại quần chúng. Ví dụ, Kropotkin viết rằng nhà nước “không chỉ là sự tồn tại của một thứ quyền lực nằm trên đỉnh xã hội, nó còn bao gồm sự thâu tóm lãnh thổ cũng như thâu tóm chức năng trong đời sống của các xã hội vào tay một số cá nhân... Nguyên một bộ máy lập pháp và kiểm soát được phát triển để cưỡng ép một số giai cấp chịu sự thống trị của các giai cấp khác.” Do đó, nhà nước là “ví dụ hoàn hảo cho một thể chế phân cấp, được phát triển qua nhiều thế kỷ, có mục đích cưỡng ép mọi cá nhân và nhóm của họ phải quy phục trước ý chí trung ương. Nhà nước nhất thiết phải phân cấp và chuyên quyền — nếu không thì nó không còn là Nhà nước nữa.”[2]

Người vô trị cho rằng nhà nước được cấu thành từ các hình thức hoạt động của con người, tương tự mọi cấu trúc xã hội. Do đó, việc tham gia vào nhà nước sẽ sản sinh ra và tái hiện những kiểu người và kiểu quan hệ xã hội cụ thể. Điều này xảy ra bất chấp ý định cũng như mục tiêu ban đầu của con người, bởi lẽ vấn đề nằm ở bản chất cấu trúc xã hội mà họ đang tham gia, cũng như các hình thái hoạt động cấu thành và tái sản xuất cấu trúc xã hội này. Đối với Reclus, những nhà chủ nghĩa xã hội khi tham chính “đã tự đặt mình vào những điều kiện cụ thể — những điều kiện mà ngược lại sẽ định đoạt họ.”[3] Do đó, những người nắm quyền lực nhà nước sẽ tham gia vào những hình thức hoạt động của con người — những hình thức hoạt động sẽ dần dần biến họ thành kẻ áp bức của giai cấp lao động, chỉ quan tâm đến việc thâu tóm quyền lực cho bản thân. Những người vô trị cho rằng, quá trình này sẽ xảy ra đối với cả những nhà xã hội chủ nghĩa được bầu vào nhà nước tư bản hiện tại, cũng như những nhà xã hội chủ nghĩa cố gắng đảo chính hòng chiếm chính quyền đương thời và biến nó thành nhà nước của người lao động.

Người vô trị cho rằng điều này xảy ra vì hai lý do chính. Thứ nhất, nhà nước là một thể chế tập quyền và phân cấp, trong đó một giai cấp thống trị chính trị độc quyền quyết định và định đoạt cuộc sống của quần chúng — những người bị họ cai trị. Do đó, số ít những nhà chủ nghĩa xã hội thi hành quyền lực nhà nước sẽ áp đặt bản thân và định đoạt đời sống của giai cấp lao động, thay vì cho phép giai cấp lao động tự định hướng đời sống của mình. Như Malatesta nói:

“Ai có quyền hạn lên công việc sẽ có quyền hạn lên con người; ai điều hành sản xuất sẽ điều khiển người sản xuất; ai định đoạt tiêu dùng sẽ là chủ nhân của người tiêu dùng. Đây chính là vấn đề: hoặc mọi việc được quản lý dựa trên cơ sở thỏa thuận tự do giữa các bên liên quan — ấy là chế độ vô trị; hoặc chúng được quản lý theo luật đưa ra bởi các nhà quản lý — là chính phủ, là Nhà nước, và chắc chắn sẽ trở nên chuyên quyền.”[4]

Thứ hai, các nhà xã hội chủ nghĩa nắm quyền lực nhà nước sẽ bị tha hóa bởi quyền lực trên đỉnh hệ thống phân cấp xã hội, trở thành những kẻ không muốn cũng như không nỗ lực xóa bỏ quyền hạn của bản thân đối với người khác. Theo Reclus:

“Người vô trị cho rằng, nhà nước và những gì nó đem lại không phải là một bản thể thuần túy, càng không phải một trừu tượng triết học, mà là một tập hợp các cá nhân bị đặt trong một môi trường cụ thể và chịu ảnh hưởng của môi trường ấy. Những cá nhân đó được hưởng nhiều phẩm giá, quyền lực và ưu đãi hơn đồng bào, và vì thế dĩ nhiên sẽ cho rằng mình vượt trội hơn người thường. Tuy nhiên, trong thực tế, vô số những cám dỗ quanh họ gần như chắc chắn sẽ kéo họ xuống dưới mức trung bình.”[5]

Thói quen chỉ huy

Các nhà chủ nghĩa xã hội tham gia chính quyền có thể “nhiệt thành mong muốn” xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và nhà nước, nhưng “các mối quan hệ và điều kiện mới thay đổi họ từng chút một,” cho đến khi họ phản bội lại mục tiêu ban đầu, trong khi vẫn tự nhủ rằng mình đang xây dựng nó.[6] Tóm lại, qua lời Bakunin, “thói quen chỉ huy” và “thực thi quyền lực” khiến người ta “vừa khinh thường quần chúng, vừa tự thổi phồng giá trị bản thân.”[7]

Một nhà xã hội chủ nghĩa nhà nước có thể phản đối lập luận này bằng tuyên bố: nhà nước không nhất thiết phải được một thiểu số điều hành, qua đó tạo ra một giai cấp thống trị chính trị. Đối với người vô trị, tuyên bố này bỏ sót sự thật rằng nhà nước nhất thiết phải là một thể chế tập quyền và phân cấp, do đó chỉ có thể được điều khiển bởi một số ít cá nhân chóp bu — những người thực thi quyền hạn mỗi ngày trong thực tế. Đối với Bakunin:

“Hàng nghìn người cũng không thể sử dụng quyền hạn đó một cách hiệu quả, chứ chưa nói đến hàng chục hàng trăm nghìn người. Nó phải được thực hiện bằng cách ủy quyền, có nghĩa là bị giao cho một nhóm người được bầu ra để đại diện và quản lý mọi người. Điều này sẽ vô tình khôi phục mọi sự lừa dối và lệ thuộc của thể chế đại nghị hoặc nhà nước tư sản. Sau một khoảnh khắc tự do chớp nhoáng, sau một cuộc cách mạng điên cuồng, công dân Nhà nước trẻ sẽ trở thành nô lệ, bù nhìn và nạn nhân của một đám người cuồng vọng mới.”[8]

Lại có người phản bác rằng, mặc dù những đại diện này tạo thành một thiểu số, nhưng họ vẫn là người lao động và do đó không thể trở thành một giai cấp thống trị chính trị riêng biệt. Bakunin đã đáp lại lập luận này bằng cách nhấn mạnh rằng, những cá nhân đó “chỉ từng là người lao động. Ngay sau khi trở thành nhà cầm quyền hoặc đại diện của nhân dân, họ không còn là người lao động, và sẽ bắt đầu nhìn toàn bộ thế giới người lao động từ tầm cao nhà nước. Họ sẽ không còn đại diện cho nhân dân nữa mà đại diện cho chính họ và tham vọng cai trị người dân của họ.”[9]

Những người vô trị cho rằng nhà nước không chỉ có tác động tiêu cực lên những người sử dụng quyền lực nhà nước. Nó còn gây hại cho số đông những người phải tuân lệnh nó, qua việc khiến họ tham gia vào các hình thức hoạt động không nuôi dưỡng những kiểu người cần thiết cho một xã hội cộng sản. Điều này là bởi, thay vì học cách tự tổ chức cuộc sống một cách hiệu quả, người lao động sẽ phải tuân theo quyền lực của một thiểu số nắm quyền, và vì vậy, buộc phải làm theo chỉ dẫn. Họ sẽ học cách vâng lời cấp trên hơn là suy nghĩ và hành động cho bản thân. Thay vì học cách đoàn kết với những người khác một cách bình đẳng, họ sẽ học cách đặt những kẻ nắm quyền lên bệ thờ giống như người ta học cách tôn thờ những kẻ được gọi là “đầu tàu công nghiệp,” hoặc những nhân vật chính trị như Hoàng gia Anh trong chủ nghĩa tư bản. Như Bakunin đã viết, “quyền lực làm suy đồi cả những kẻ quên mình cho nó và cả những người phải phục tùng nó.”[10]

Phương tiện và Mục đích của Quyền lực Nhà nước

Như vậy, những người vô trị kết luận rằng, việc nắm giữ và sử dụng quyền lực nhà nước nhất thiết phải dựa trên một phương tiện — sự cai trị của một giai cấp thống trị chính trị thiểu số — không tương thích với mục đích xây dựng một xã hội cộng sản dựa trên quyền tự quyết của toàn thể giai cấp lao động. Trên lý thuyết, sự lãnh đạo của nhà nước vô sản sẽ mở đường cho việc tiêu biến và cuối cùng là bãi bỏ nhà nước, một khi người ta không cần nhà nước để bảo vệ cuộc cách mạng nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều thập kỷ trước cuộc cách mạng Nga, những người vô trị đã dự đoán rằng: các hình thức thực tiễn liên quan đến việc thực thi quyền lực nhà nước sẽ biến những nhà chủ nghĩa xã hội chân chính thành những tên bạo chúa chỉ biết tái sản xuất và bành trướng quyền lực của mình, thay vì xóa bỏ nó cho mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Trong “Statism and Anarchy,” Bakunin tuyên bố rằng, dù các nhà xã hội chủ nghĩa nói: “gông xiềng nhà nước này, chế độ độc tài này chỉ là một phương tiện chuyển tiếp cần thiết để đạt được sự giải phóng hoàn toàn nhân dân; chế độ vô trị hay tự do mới là mục tiêu, còn nhà nước hay chế độ độc tài chỉ là phương tiện,” họ lại lờ đi việc “không chế độ độc tài nào có thể có mục tiêu gì khác ngoài mục tiêu duy trì chính nó. Chế độ độc tài chỉ có thể tạo ra và nuôi dưỡng ách nô lệ cho những kẻ bị nó cai trị.”[11] Nhà nước của người lao động tự xưng là chế độ chuyên chính vô sản, nhưng trên thực tế, theo Malatesta: “chỉ là chế độ độc tài của ‘Đảng’ đối với nhân dân, và của một số ít người đối với ‘Đảng’.”[12]

[1] Errico Malatesta, The Method of Freedom: An Errico Malatesta Reader, ed. Davide Turcato (Oakland, CA: AK Press, 2014), 281–2.

[2] Peter Kropotkin, Modern Science and Anarchy, ed. Iain McKay (Oakland, CA: AK Press, 2018), 234, 227. Kropotkin claims that the state is necessarily centralized and hierarchical multiple times in this text. See: ibid, 199, 275, 310.

[3] Elisée Reclus, Anarchy, Geography, Modernity: Selected Writings of Elisée Reclus, ed. John Clark and Camille Martin (Oakland, CA: PM Press, 2013), 147.

[4] Malatesta, Life and Ideas: The Anarchist Writings of Ericco Malatesta, ed. Vernon Richards (Oakland, CA: PM Press, 2015), 138.

[5] Reclus, Anarchy, Geography, Modernity, 122.

[6] Ibid, 122.

[7] Mikhail Bakunin, Bakunin on Anarchy: Selected Works by the Activist Founder of World Anarchism, ed. Sam Dolgoff (New York: Vintage Books, 1972), 145.

[8] Bakunin, Selected Writings, ed. Arthur Lehning(London: Jonathan Cape, 1973), 254–5.

[9] Bakunin, Statism and Anarchy, ed. Marshall Shatz(Cambridge: Cambridge University Press, 2005), 178.

[10] Ibid, 136.

[11] Ibid, 179.

[12] Malatesta, A Long and Patient Work: The Anarchist Socialism of L’Agitazione 1897–1898, ed. Davide Turcato (Oakland, CA: AK Press, 2016), 27.