标题: Bạn có phải người vô trị không? Và câu trả lời đầy bất ngờ!
作者: David Graeber
话题: Introductory
语言: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
日期: 2006
来源: Retrieved on 2021-02-01 from https://theanarchistlibrary.org/library/david-graeber-are-you-an-anarchist-the-answer-may-surprise-you

Bạn có phải người vô trị không? Và câu trả lời đầy bất ngờ!

Khả năng cao là bạn đã nghe nhiều về người vô trị và những niềm tin (trên lý thuyết) của họ. Khả năng cao là bạn nghe phải toàn chuyện tầm bậy. Nhiều người tưởng rằng người vô trị hô hào bạo lực, hỗn loạn và huỷ diệt; rằng họ phản đối mọi thứ trật tự hay tổ chức; rằng họ là đám loạn trí theo thuyết hư vô chỉ muốn phá cho bằng sạch. Trên thực tế, điều này sai đến không thể sai hơn được nữa. Người vô trị chỉ tin rằng, con người có thể hành xử một cách tử tế dù không bị cưỡng ép. Đây thực sự là một tư tưởng rất đơn giản. Nhưng nó cũng là một tư tưởng vô cùng nguy hiểm trong mắt những kẻ giàu có và quyền lực.

Ở cấp độ đơn giản nhất, niềm tin của chủ nghĩa vô trị được chia ra làm hai giả định cơ bản. Thứ nhất, trong hoàn cảnh bình thường, con người ta tử tế và biết điều hết mức được cho phép, cũng như có khả năng tổ chức, quản lý bản thân và cộng đồng của họ mà không cần ai chỉ bảo. Thứ hai, quyền lực làm suy đồi nhân cách. Trên tất cả, chủ nghĩa vô trị chỉ là chuyện có đủ can đảm để chấp nhận những nguyên tắc đơn giản của những lề thói chung, và đi theo những lề thói ấy tới kết luận logic của chúng. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chắc kèo rằng bạn đã luôn là một người vô trị theo những cách quan trọng nhất — bạn chỉ chưa nhận ra thôi.

Hãy bắt đầu bằng một vài ví dụ đời thường xem sao.

Nếu phải xếp hàng dài để lên xe buýt, bạn có đợi đến lượt mình mà không dùng cùi chỏ thụi người để tranh đường không?

Nếu bạn trả lời “có,” thì bạn vẫn luôn cư xử như một người vô trị! Nguyên tắc cơ bản nhất của chủ nghĩa vô trị là nguyên tắc tự tổ chức: giả định rằng dù không bị đe dọa trừng phạt, con người vẫn có thể thấu hiểu cho nhau, đối xử với nhau với sự tự tôn và tôn trọng.

Ai cũng tin rằng bản thân mình có khả năng cư xử lễ độ. Nếu một người tin rằng luật pháp và cảnh sát là cần thiết, thì ấy là vì họ không tin người khác có khả năng đó. Nhưng nghĩ mà xem, chẳng phải những người khác cũng nghĩ như vậy về bạn sao? Người vô trị tin rằng, những hành vi phản xã hội khiến bạn thấy ta cần quân đội, cảnh sát, nhà tù và chính phủ để quản thúc cuộc đời ta, thực chất là hậu quả của những bất công và bất bình đẳng mang tính hệ thống do chính quân đội, cảnh sát, nhà tù và chính phủ tạo ra. Đây là một vòng lặp luẩn quẩn. Nếu người ta quen bị đối xử như thể ý kiến của mình không quan trọng, họ dễ trở nên giận dữ và cay cú, thậm chí là bạo lực — tất nhiên đây càng là lý do để những kẻ có quyền coi thường ý kiến của họ. Khi người ta hiểu được rằng ý kiến của bản thân cũng quan trọng như ý kiến của bất kỳ người nào khác, họ thường trở nên biết cảm thông hơn rất nhiều. Ngắn gọn mà nói: người vô trị tin rằng chính quyền lực và hiệu ứng của quyền lực là thứ làm người ta trở nên ngu ngốc và bạo lực.

Bạn có phải thành viên một câu lạc bộ, một đội thể thao hay bất kỳ một tổ chức tự nguyện nào mà quyết định cuối cùng được đưa ra dựa trên cơ sở đồng thuận chung, chứ không bị một người cầm trịch áp đặt không?

Nếu bạn trả lời “có," vậy thì bạn thuộc về một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc vô trị! Một nguyên tắc vô trị cơ bản khác là nguyên tắc tự do giao kết. Đây đơn giản là việc áp dụng các nguyên tắc dân chủ vào cuộc sống thường ngày. Khác biệt duy nhất là người vô trị tin rằng, ta có thể xây dựng một xã hội mà mọi thứ đều được tổ chức trên nguyên tắc này, mọi hội nhóm đều dựa trên cơ sở đồng thuận của các thành viên. Do đó, ta không cần đến mọi tổ chức tập quyền, vận hành với hệ thống quản trị như quân đội, cơ quan hành chính hay các tập đoàn lớn. Có thể bạn không tin rằng điều này là khả thi. Có thể bạn tin. Nhưng mỗi khi bạn giao kèo thành công bằng sự đồng thuận chứ không phải hăm dọa, mỗi khi bạn tự nguyện dàn xếp với người khác, thông cảm cho nhau hoặc thỏa hiệp sau khi cân nhắc kỹ lưỡng hoàn cảnh và nhu cầu của đối phương, bạn là một người vô trị - dù bạn có nhận ra hay không.

Chủ nghĩa vô trị chỉ là cách người ta hành xử khi họ được tự do làm theo ý mình, khi họ thông giao với những người cũng tự do như mình — và vì thế, ý thức được những trách nhiệm cần thiết. Điều này chỉ ra một điểm quan trọng khác: dù người ta có biết điều và tử tế khi qua lại với những người bằng vai phải lứa đến đâu, bản chất con người phù hợp với những thứ quyền lực có ảnh hưởng lên người khác. Nắm thứ quyền lực ấy trong tay, họ gần như chắc chắn sẽ lạm dụng nó — không kiểu này thì kiểu khác.

Bạn có cho rằng các chính trị gia hầu hết đều là lũ lợn ích kỷ, tự mãn và chẳng đoái hoài gì đến lợi ích của công chúng không? Bạn có cho rằng hệ thống kinh tế của chúng ta thật ngu ngốc và bất công không?

Nếu bạn trả lời “có," thì bạn đồng ý với cách người vô trị phê phán xã hội ngày nay — ít nhất là những nét phác thảo bao quát nhất. Người vô trị tin rằng quyền lực làm suy đồi nhân cách, và rằng những kẻ dành cả cuộc đời để theo đuổi quyền lực là những kẻ không xứng đáng được nắm quyền lực nhất. Người vô trị tin rằng hệ thống kinh tế ngày nay thường khuyến khích những kẻ ích kỷ, vô đạo, hơn là những người lương thiện, tử tế. Hầu hết mọi người đều cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không tin rằng chúng ta có cách giải quyết nào, hoặc dù có đi nữa, giải pháp ấy rốt cuộc sẽ khiến tình cảnh còn tồi tệ hơn — đây là điều mà những nô bộc trung thành của nhân dân luôn miệng khẳng định.

Nhưng nếu điều này không đúng thì sao?

Mà ta đâu có lý do gì để tin chúng? Khi có cách kiểm chứng thực tiễn, hầu hết các dự đoán phổ biến về những điều sẽ xảy ra khi không có chính phủ hay chủ nghĩa tư bản hóa ra đều trật lất cả. Suốt hàng ngàn năm, con người sống mà đâu có chính phủ. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn sống ngoài vòng quản lý của chính phủ. Họ không hề tàn sát lẫn nhau. Số đông họ chỉ tiếp tục sống đời mình như những người bình thường khác. Đương nhiên, trong một xã hội đô thị công nghệ phức tạp và hiện đại, mọi thứ sẽ phức tạp hơn: nhưng công nghệ cũng có thể đem lại những cách giải quyết tối ưu hơn. Trên thực tế, ta còn chưa nghĩ xem cuộc sống sẽ ra sao nếu công nghệ thực sự được tận dụng cho nhu cầu của con người. Chúng ta cần làm việc bao nhiêu giờ một ngày để duy trì xã hội, nếu loại bỏ những nghề nghiệp vô dụng hoặc phá hoại như tiếp thị qua điện thoại, luật sư, quản ngục, nhà phân tích tài chính, chuyên gia quan hệ công chúng, quan chức và chính trị gia; nếu ta không phung phí những bộ óc khoa học tài ba nhất của chúng ta vào vũ khí vũ trụ, thị trường chứng khoán; nếu ta cơ giới hóa những công việc khó nhằn như khai thác than hay dọn nhà vệ sinh, rồi chia đều những việc còn lại cho tất cả mọi người? Năm tiếng một ngày? Bốn? Ba? Hai? Không ai biết, vì bấy nay chúng ta đâu hề đặt ra những câu hỏi này. Người vô trị cho rằng đây chính là những câu hỏi đáng hỏi bậc nhất.

Bạn có tin vào những điều mình dạy con cái (hoặc những điều bố mẹ dạy mình) không?

“Không cần biết ai gây sự trước.” “Hai sai không thành một đúng.” “Tự bày tự dọn.” “Đối xử với người khác như con muốn được đối xử.” “Đừng xử tệ với người ta chỉ vì họ khác biệt.” Ta nên nghĩ xem mình có nói láo khi dạy con, hoặc có thói nói một đằng làm một nẻo hay không. Bởi lẽ, nếu đi theo kết luận logic của những nguyên tắc đạo đức này, ta sẽ chạm đến chủ nghĩa vô trị.

Lấy nguyên tắc hai sai không thành một đúng làm ví dụ. Nếu bạn thực sự coi trọng nó, thì chỉ riêng nguyên tắc này đã đánh bay toàn bộ cơ sở của chiến tranh và hệ thống hình sự tư pháp. Chuyện chia sẻ cũng vậy: ta luôn dạy trẻ con phải học cách chia sẻ, phải để tâm đến nhu cầu của nhau, phải giúp đỡ lẫn nhau; sau đó ta vào đời và chắc mẩm rằng người ta ai cũng ích kỷ và ưa cạnh tranh. Nhưng một người vô trị sẽ chỉ ra: thực chất những điều ta dạy con cái là không sai. Hầu hết mọi thành tựu vĩ đại trong lịch sử nhân loại, mọi khám phá hay thành tựu giúp cải thiện đời sống con người đều dựa trên sự hợp tác và tương trợ; kể cả bây giờ, hầu hết chúng ta đều dành nhiều tiền cho bạn bè hơn là cho chính bản thân mình; dù có thể lúc nào trên đời cũng có những kẻ thích cạnh tranh, chẳng lý gì xã hội phải xoay quanh và khuyến khích hành vi đó — đừng nói tới việc bắt mọi người phải tranh đấu cho cả những nhu cầu sống cơ bản. Điều đó chỉ phục vụ cho lợi ích của những kẻ có quyền — những kẻ muốn ta phải vừa sống vừa đề phòng lẫn nhau. Đây là lý do vì sao người vô trị đề xuất một xã hội không chỉ dựa trên sự tự do giao kết, mà còn dựa trên sự tương trợ. Trên thực tế, hầu hết trẻ em lớn lên đều tin vào đạo đức của chủ nghĩa vô trị, sau đó mới dần dần nhận ra thế giới người lớn không hoạt động như thế. Đó là lý do vì sao nhiều đứa trẻ trở nên nổi loạn hoặc xa lánh, thậm chí muốn tự tử khi còn đang vị thành niên, và cuối cùng, bỏ cuộc và cay đắng lúc trưởng thành. Niềm an ủi duy nhất của họ thường là tự nuôi dạy con cái mình và vờ rằng đời thật công bằng trước mặt chúng. Nhưng nếu ta thực sự có thể bắt đầu xây dựng một thế giới dựa trên những nguyên tắc công bằng này thì sao? Ấy chẳng phải là món quà tuyệt vời nhất một người có thể dành tặng con mình hay sao?

Bạn có tin rằng bản chất con người về cơ bản là xấu xa, đồi bại, và rằng một số loại người (phụ nữ, người da màu, người bình thường không giàu có, không học cao) là những cá thể thấp kém, là phận bị cai trị bởi những kẻ thượng đẳng không?

Nếu bạn trả lời “có," thì bạn chẳng phải người vô trị đâu. Nếu bạn trả lời “không," thì bạn đã tin theo 90% những nguyên tắc của chủ nghĩa vô trị, và khả năng là bạn cũng đang sống cuộc đời của mình dựa theo những nguyên tắc ấy. Mỗi khi bạn đối xử tử tế và quan tâm tới người khác, bạn là một người vô trị. Mỗi khi bạn giải quyết những khác biệt của mình với người khác bằng những thỏa hiệp hợp lý, hay lắng nghe tất cả thay vì để một người quyết định thay mọi người, bạn là một người vô trị. Mỗi khi bạn có cơ hội cưỡng ép ai đó làm điều gì, nhưng lại quyết định thuyết phục họ bằng lý lẽ và công lý, bạn là một người vô trị. Tương tự như lúc bạn chia sẻ một thứ với bạn bè, quyết định xem ai là người rửa bát, hoặc để tâm đến sự công bình sự làm bất kỳ điều gì.

Bây giờ, có thể bạn sẽ phản bác rằng những thứ này giúp mấy nhóm nhỏ thân thiết với nhau đấy, nhưng quản lý cả một thành phố hay một quốc gia lại là chuyện khác. Ý này đương nhiên cũng có điểm đúng. Ngay cả khi ta phân quyền trong xã hội và trao thật nhiều quyền lực cho các cộng đồng nhỏ, vẫn có rất nhiều thứ cần đến sự phối hợp, từ việc vận hành đường tàu đến việc định hướng nghiên cứu y tế. Nhưng một chuyện phức tạp không có nghĩa ta không thể thực hiện nó một cách dân chủ. Nó chỉ phức tạp mà thôi. Trên thực tế, những người theo chủ nghĩa vô trị có đủ những ý tưởng và tầm nhìn khác nhau về cách quản lý một xã hội phức tạp. Không có chỗ để giải thích tất cả trong văn bản nhập môn này. Trước tiên, khỏi phải nói, rất nhiều người đã dành vô số thời gian để nghĩ ra mô hình vận hành cho những xã hội thực sự dân chủ, lành mạnh; nhưng thứ hai - và cũng quan trọng không kém - không một người vô trị nào tuyên bố mình nắm trong tay một bản thiết kế hoàn hảo. Dù sao thì điều cuối cùng ta muốn cũng là việc áp đặt lên xã hội một khuôn mẫu đã được đúc sẵn. Sự thật là ta còn chẳng thể tưởng tượng được một nửa những vấn đề sẽ nảy sinh khi ta cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ. Dù vậy, ta vẫn vững tin rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết nhờ sự khéo léo của con người, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của ta — cũng chính là những nguyên tắc cơ bản của nhân tính.