Emma Goldman

Nước Nga không có chủ nghĩa Cộng Sản

(There Is No Communism in Russia)

1935

      I.

      II.

      III.

      IV.

      V.

I.

Ngày nay, chủ nghĩa Cộng sản là câu cửa miệng của rất nhiều người. Một số nói về nó với sự quá khích của kẻ mới cải đạo, những người khác lại sợ hãi và lên án nó như một mối hiểm họa xã hội. Nhưng tôi mạnh dạn cho rằng, cả những người hâm mộ — vốn chiếm đa số — lẫn những kẻ bỉ bôi đều không có khái niệm rõ ràng về chủ nghĩa Cộng sản Bolshevik.

Tổng quát mà nói, chủ nghĩa Cộng sản là lý tưởng về sự bình đẳng và tình anh em con người. Nó coi sự bóc lột giữa người với người là nguồn cơn của mọi chế độ nô lệ cũng như áp bức. Nó cho rằng bất bình đẳng kinh tế gây ra bất công trong xã hội và là kẻ thù của tiến bộ đạo đức cũng như trí tuệ. Chủ nghĩa Cộng sản hướng tới một xã hội không giai cấp với sự công hữu tư liệu sản xuất và phân phối. Nó khẳng định rằng chỉ trong một khối thịnh vượng chung đoàn kết, không giai cấp, con người mới có thể tận hưởng tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Mục tiêu của tôi là so sánh chủ nghĩa Cộng sản với ứng dụng trong thực tiễn của nó ở Liên Xô, nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, tôi nhận ra đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Trên thực tế, ở Liên Xô không tồn tại chủ nghĩa Cộng sản. Không một nguyên tắc hay giáo lý Cộng sản nào được đảng Cộng sản ở đó thực hành.

Đối với một số người, tuyên bố này hoàn toàn không đúng sự thật; một số khác thì cho rằng nó bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, tôi tin chắc một điều tra khách quan về tình trạng ở nước Nga hiện thời sẽ thuyết phục được những độc giả trung lập rằng điều tôi nói hoàn toàn là sự thật.

Trước tiên, cần phải xem xét quan niệm nền tảng của thứ được gọi là chủ nghĩa Cộng sản Bolshevik. Được thừa nhận là một kiểu chủ nghĩa Cộng sản chuyên quyền và độc tài, nó hầu như chỉ dựa vào bạo lực và sự cưỡng ép từ chính phủ. Nó không phải chủ nghĩa Cộng sản của sự tự nguyện giao kết, mà là Chủ nghĩa Cộng sản Nhà nước cưỡng chế (chú thích người dịch: “compulsory State Communism”). Cần ghi nhớ điều này để hiểu được phương pháp mà chính quyền Liên Xô dùng để thực hiện những kế hoạch có vẻ mang tính Cộng sản của mình.

Điều kiện đầu tiên của chủ nghĩa Cộng sản là sự xã hội hóa (“socialization”) đất đai cũng như thiết bị sản xuất và phân phối. Đất đai và thiết bị được xã hội hóa sẽ thuộc về người dân, cho cá nhân cũng như tập thể vào định cư hoặc sử dụng tùy theo nhu cầu của họ. Ở Nga, đất đai và thiết bị không được xã hội hóa mà bị quốc hữu hóa (“nationalization”). Tất nhiên, thuật ngữ này là một từ không chính xác. Thực chất, nó hoàn toàn vô nghĩa. Trên thực tế không có thứ gọi là của cải quốc gia. Quốc gia là một từ quá trừu tượng để có thể “sở hữu” bất cứ thứ gì. Quyền sở hữu có thể thuộc về một cá nhân hay một tập thể, nhưng phải là một định lượng thực tế nào đó. Khi một thứ không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tập thể nào, thì nó chẳng được xã hội hóa hay là quốc hữu hóa. Nếu được quốc hữu hóa thì nó thuộc về nhà nước; tức là bị chính phủ nắm quyền kiểm soát và tùy ý định đoạt. Nhưng khi một thứ được xã hội hóa, mọi cá nhân đều có quyền tiếp cận, sử dụng nó mà không bị bất cứ ai cản trở.

Ở Nga không có sự xã hội hóa của cả đất đai lẫn quá trình sản xuất và phân phối. Mọi thứ đều được quốc hữu hóa; chúng thuộc về chính quyền, hệt như bưu điện ở Mỹ hay đường sắt ở Đức và một số quốc gia châu Âu khác. Không có dấu vết gì của chủ nghĩa Cộng sản ở đây cả.

Các giai đoạn cơ cấu kinh tế của Liên Xô cũng không mang tính Cộng sản hơn đất đai và sản xuất chút nào. Chính quyền trung ương sở hữu mọi nguồn tài nguyên và độc quyền tuyệt đối ngoại thương; thiết bị in ấn thuộc về nhà nước, toàn bộ sách báo được phát hành là ấn phẩm nhà nước. Tóm lại, toàn bộ đất nước và mọi thứ trong đó là tài sản của nhà nước, giống như ngày xưa chúng từng là tài sản của hoàng gia. Vài thứ chưa được quốc hữu hoá, như dăm ngôi nhà cũ kỹ lụp xụp ở Moscow hay mấy cửa hàng tồi tàn với nguồn hàng mỹ phẩm ít ỏi đến đáng thương, chỉ còn tồn tại vì được nhắm mắt cho qua, và chính quyền có quyền tịch thu chúng bất kỳ lúc nào, chỉ bằng một tờ lệnh.

Thực trạng này có thể được gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước (“state capitalism”), chứ thật điên rồ nếu coi nó là Cộng sản theo bất kỳ nghĩa nào.

II.

Bây giờ ta xét tới sản xuất và tiêu thụ — đòn bẩy của đời sống. Có thể ít ra ta sẽ thấy chủ nghĩa Cộng sản ở một mức độ đủ để biện minh cho cách ta gọi cuộc sống ở Nga là Cộng sản.

Tôi đã chỉ ra rằng, toàn bộ đất đai và thiết bị đều thuộc sở hữu của nhà nước. Mọi phương thức sản xuất cũng như chỉ tiêu sản xuất của mỗi công xưởng, cửa hàng hay nhà máy trong tất cả các ngành công nghiệp đều được quyết định bởi nhà nước, bởi chính quyền trung ương — bởi Moscow — thông qua các cơ quan khác nhau của nó.

Nga là một quốc gia rộng lớn, chiếm khoảng ⅙ bề mặt Trái đất. Dân số đa dạng của nó lên tới 165,000,000 người. Nó bao gồm nhiều nước cộng hòa rộng lớn với nhiều chủng tộc và quốc tịch, mỗi vùng lại có lợi ích và nhu cầu cụ thể riêng. Không nghi ngờ gì nữa, việc hoạch định kinh tế và công nghiệp là hết sức cần thiết cho sự thịnh vượng của một cộng đồng. Chủ nghĩa Cộng sản đích thực — sự bình đẳng kinh tế giữa các cá nhân và cộng đồng — đòi hỏi sự hoạch định kinh tế tốt nhất và hiệu quả nhất, dựa trên nhu cầu cũng như khả năng địa phương của cộng đồng đó. Cơ sở của hoạch định này phải là quyền tự do sản xuất và định đoạt sản phẩm tuyệt đối theo phán đoán của mỗi cộng đồng: tự do trao đổi thặng dư với các cộng đồng độc lập khác mà không bị cản trở bởi bất cứ thế lực bên ngoài nào.

Đó là bản chất kinh tế-chính trị cốt lõi của chủ nghĩa Cộng sản — vốn không khả thi dưới bất kỳ hình thức nào khác. Chủ nghĩa Cộng sản nhất thiết phải theo hướng tự do và Vô trị.

Không có dấu vết nào của chủ nghĩa Cộng sản ấy — tức là của bất kỳ chủ nghĩa Cộng sản nào — ở Liên Xô. Trên thực tế, chỉ gợi ý về một hệ thống như vậy cũng bị coi là tội, và mọi nỗ lực thực hiện đều bị trừng phạt bằng cái chết.

Hoạch định công nghiệp cũng như mọi hoạt động sản xuất và phân phối đều nằm trong tay chính quyền trung ương. Hội đồng Kinh tế Tối cao chỉ dưới quyền Đảng Cộng sản. Nó không hề phụ thuộc vào ý chí hay nguyện vọng của người dân Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Hoạt động của nó bị chi phối bởi chính sách và quyết định của điện Kremlin. Điều này lý giải tại sao Liên Xô lại xuất khẩu một lượng lớn lúa mì và các loại ngũ cốc khác trong khi các vùng rộng lớn phía Nam và Đông Nam Nga bị nạn đói hoành hành, khiến hơn hai triệu người thiệt mạng (1932 — 1933).

Có những “lý do của nhà nước” cho việc ấy. Lối nói hoa mỹ này từ xa xưa đã được dùng để ngụy trang cho sự chuyên chế, bóc lột và dã tâm của mọi kẻ cai trị hòng kéo dài và củng cố sự cai trị của mình. Nhân tiện, phải nhắc rằng — bất chấp nạn đói trên toàn quốc và tình trạng thiếu thốn cả những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất — toàn bộ kế hoạch năm năm đầu tiên có mục đích phát triển nhóm ngành công nghiệp nặng, vốn phục vụ hoặc có thể được dùng để phục vụ cho mục đích quân sự.

Tương tự sản xuất, việc phân phối và các hình thức hoạt động khác cũng vậy. Không chỉ các thành phố và thị trấn đơn lẻ, mà mọi lãnh thổ cấu thành nên Liên bang Xô viết đều bị tước quyền độc lập tự chủ. Về mặt chính trị, họ chỉ là chư hầu của Moscow, toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa đều được lên kế hoạch cho họ và bị “chế độ chuyên chính vô sản” (“proletarian dictatorship”) của Moscow kiểm soát nghiêm ngặt. Thêm vào đó: đời sống của mọi địa phương, thậm chí của mọi cá nhân, ngay cả trong các nước cộng hòa được gọi là “Xã hội Chủ nghĩa” cũng bị “đường lối chung” do “trung ương” đặt ra quản lý đến từng chi tiết. Nói cách khác, bởi Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị của Đảng, cả hai đều do một người duy nhất là Stalin nắm quyền kiểm soát tuyệt đối. Gọi một chế độ độc tài như vậy, một chế độ chuyên quyền mạnh bạo và cực đoan hơn bất cứ Sa hoàng nào là Cộng sản, tôi cho là ngu ngốc đến cùng cực.

III.

Bây giờ ta hãy xem “chủ nghĩa Cộng sản” Bolshevik ảnh hưởng thế nào tới đời sống nhân dân quần chúng.

Có những người ngây thơ tin rằng ít ra một vài đặc điểm của chủ nghĩa Cộng sản cũng phải được đưa vào đời sống của nhân dân Nga. Tôi ước ấy là sự thật, bởi nó sẽ là một tín hiệu đầy hy vọng, một lời hứa về tiềm năng phát triển của đường lối này. Nhưng sự thật là chưa hề có nỗ lực áp dụng các nguyên tắc Cộng sản dưới bất kỳ hình thức nào vào các giai đoạn đời sống xã hội cũng như cá nhân ở Liên Xô. Như tôi đã chỉ ra, chỉ đề xuất về một chủ nghĩa Cộng sản tự do, tự nguyện cũng là điều cấm kỵ, bị coi là phản cách mạng và phản lại Stalin cũng như Đảng “Cộng sản” thần thánh.

Ở đây tôi không nói đến chủ nghĩa Cộng sản tự do, Vô trị. Tôi cho rằng ở Liên Xô thậm chí không có lấy một dấu vết của cả thứ chủ nghĩa Cộng sản Nhà nước độc tài. Ta hãy cùng xem những thực tế của đời sống thường nhật tại đó.

Bản chất chủ nghĩa Cộng sản, kể cả loại chủ nghĩa Cộng sản cưỡng chế, là sự vắng bóng các giai cấp xã hội. Thực hành bình đẳng kinh tế là bước đầu của nó. Đây là cơ sở cốt lõi của mọi triết lý Cộng sản, dù có khác nhau ở những khía cạnh khác. Mục đích chung của chúng là đảm bảo công bằng xã hội; và tất cả đều công nhận rằng sẽ không thể đạt được điều này nếu không thiết lập bình đẳng kinh tế. Ngay cả Plato, bất chấp đủ kiểu tầng lớp đạo đức và tri thức được nhắc tới trong cuốn “Cộng hòa,” cũng cho rằng phải đảm bảo sự bình đẳng kinh tế tuyệt đối, bởi lẽ ngay cả giai cấp thống trị cũng không được hưởng đặc quyền hay nhiều quyền lợi hơn các đơn vị xã hội thấp kém nhất.

Dù đối mặt với nguy cơ bị lên án vì nói ra toàn bộ sự thật, tôi vẫn phải tuyên bố dứt khoát rằng, tình trạng ở Liên Xô trái ngược hoàn toàn với bản chất này. Chủ nghĩa Bolshevik không xóa bỏ các giai cấp xã hội ở Nga: nó chỉ đảo ngược mối quan hệ ban đầu của chúng. Trên thực tế, nó nhân lên gấp bội những phân cách xã hội tồn tại từ trước Cách mạng.

Khi đến Liên Xô vào tháng Giêng năm 1920, tôi thấy vô số cấp độ kinh tế dựa trên khẩu phần lương thực nhận được từ chính phủ. Các thủy thủ nhận khẩu phần tốt nhất, vượt trội cả về chất lượng lẫn số lượng và sự đa dạng, so với thực phẩm cấp phát cho phần còn lại của dân chúng. Là tầng lớp quý tộc của Cách mạng: về mặt kinh tế và xã hội, họ được coi như thuộc về các giai cấp đặc quyền mới. Xếp sau họ là nhà binh — những anh lính Hồng quân nhận được một khẩu phần khiêm tốn hơn nhiều và còn ít bánh mì hơn. Địa vị dưới người lính là lao động trong các ngành quân sự; rồi đến những người thợ khác, tiếp tục phân ra thành lao động chuyên môn, thợ thủ công, lao động chân tay, v.v… Mỗi cấp độ lại nhận được ít bánh mì, mỡ, đường, thuốc lá và các sản phẩm khác hơn một chút (nếu có để nhận). Các thành viên của giai cấp tư sản trước đây — đã bị tịch thu tài sản và chính thức xóa bỏ như một giai cấp — thuộc cấp độ kinh tế thấp nhất và gần như chẳng nhận được gì. Phần đông họ không thể kiếm được việc làm cũng như chỗ ở, và cũng chẳng ai quan tâm họ sống sót ra sao, dù bằng việc trộm cắp hay gia nhập quân phản động và các băng đảng đạo chích.

Việc sở hữu một tấm thẻ đỏ — biểu thị cho tư cách thành viên Đảng Cộng sản — nằm trên tất cả các cấp độ này. Nó đem lại cho chủ nhân một khẩu phần đặc biệt, đặc cách cho anh ta ăn trong stolovaya (căng-tin) của Đảng và đem lại — nhất là nếu có ô dù của các đảng viên cấp cao — đồ mặc lót ấm, ủng da, áo khoác lông thú hoặc các vật phẩm có giá trị khác. Các vị tai to mặt lớn của đảng có phòng ăn riêng mà thành viên bình thường không có quyền lui tới. Ví dụ, ở Smolny, khi đó là trụ sở của chính quyền Petrograd, có hai phòng ăn khác nhau, một phòng dành cho những người Cộng sản cấp cao, phòng còn lại dành cho những kẻ chức vụ thấp hơn. Zinoviev, khi đó là Chủ tịch Xô viết Petrograd và người cai trị không chính thức của Quận Bắc, cùng những đầu não chính phủ khác thường dùng bữa tại tư dinh ở Astoria — trước đây là khách sạn xa hoa bậc nhất trong thành phố — được tân trang thành Nhà Xô viết đầu tiên, nơi chúng sống cùng gia đình.

Sau đó, tôi chứng kiến tình trạng tương tự ở Moscow, Kharkov, Kiev và Odessa — khắp mọi nơi quanh Liên Xô.

Ấy là hệ thống “chủ nghĩa Cộng sản” Bolshevik. Những ảnh hưởng nghiêm trọng nó đem lại — khi châm ngòi bất mãn, phẫn uất và chống đối trên khắp đất nước, dẫn đến nền công và nông nghiệp bị huỷ hoại, gây ra các cuộc đình công và nổi dậy — còn tiếp tục kéo dài. Người ta nói rằng con người sống không chỉ bằng bánh mì. Đúng, nhưng họ còn chẳng tồn tại được nếu không có bánh mì. Đối với dân thường, đối với quần chúng Nga, những khẩu phần ăn khác nhau trên đất nước mà họ đã đổ máu để giải phóng là biểu tượng của chế độ mới. Đối với họ, nó tượng trưng cho sự dối trá to lớn của chủ nghĩa Bolshevik, cho lời hứa tự do bị phá vỡ, bởi lẽ tự do với họ là công bằng xã hội, là bình đẳng kinh tế. Bản năng của quần chúng hiếm khi sai lầm; trong trường hợp này, nó quả có tính tiên tri. Vậy thì có gì ngạc nhiên, khi sự nhiệt tình của toàn dân đối với cuộc Cách mạng lại sớm biến thành thất vọng và cay đắng, thành chống đối và hận thù. Người lao động Nga thường xuyên than thở với tôi: “chúng tôi không ngại vất vả, không ngại đói, nhưng chịu không nổi bất công. Đất nước nghèo khổ, ít bánh mì thì để chúng tôi chia nhau ít bánh mì ấy, nhưng phải chia sao cho đều. Chứ thế này thì khác gì trước đây; vài kẻ chiếm phần nhiều, những người khác được ít hơn, có người lại chẳng được gì cả.”

Hệ thống Bolshevik, với đầy rẫy những đặc quyền và bất công, mất không lâu để gây ra những hậu quả tất yếu. Nó châm ngòi và nuôi dưỡng xung đột xã hội; nó khiến quần chúng xa lánh Cách mạng, làm tê liệt lòng nhiệt huyết và năng lượng của họ, và vì thế đạp đổ mọi mục tiêu Cách mạng.

Hệ thống đầy những đặc quyền và bất công ấy, thêm củng cố và hoàn thiện, vẫn đang hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Ở tầng nghĩa sâu xa nhất, cuộc Cách mạng Nga là một biến động xã hội: khuynh hướng cốt lõi của nó là chủ nghĩa tự do, mục tiêu cốt lõi của nó là bình đẳng kinh tế và xã hội. Rất lâu trước những ngày tháng Mười, tháng Mười một (1917) ấy, giai cấp vô sản thành thị đã bắt đầu chiếm hữu các công xưởng, cửa hàng và nhà máy, trong khi nông dân chiếm các điền trang lớn và biến ruộng đất thành của chung. Khả năng phát triển theo hướng Cộng sản của cuộc Cách mạng phụ thuộc vào sự đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng và sự chủ động, sáng tạo trực tiếp của quần chúng lao động. Nhân dân đã rất nhiệt tình với mục tiêu to lớn trước mắt họ; họ hăng hái góp sức cho công cuộc tái thiết xã hội. Chỉ họ, những người đã gánh vác gánh nặng nặng nề nhất suốt bao nhiêu thế kỷ, mới có thể tìm ra con đường dẫn đến một xã hội phục hưng mới.

Nhưng các tín điều Bolshevik và “Cộng sản” tập quyền hoá ra lại là một bất lợi nghiêm trọng đối với các hoạt động sáng tạo của người dân. Bản chất tâm lý Bolshevik là sự thiếu niềm tin vào quần chúng. Những lý thuyết mác xít của họ, thâu tóm tất cả quyền lực vào tay một đảng, nhanh chóng dẫn đến việc cắt đứt những liên minh cách mạng, đến sự đàn áp độc đoán và tàn nhẫn tất cả các đảng phái và phong trào chính trị khác. Chiến lược Bolshevik bao gồm việc loại bỏ một cách có hệ thống mọi tín hiệu bất mãn, bóp nghẹt mọi chỉ trích cũng như đập nát các quan điểm độc lập, sáng kiến hay nỗ lực của quần chúng. Chế độ độc tài cộng sản, với sự tập quyền máy móc cực độ của nó, đã phá hỏng các hoạt động kinh tế và công nghiệp của đất nước. Quần chúng bị tước mất cơ hội hoạch định các chính sách Cách mạng, hoặc tham gia điều hành công việc của chính họ. Các liên đoàn lao động bị chính phủ hoá (“governmentalized”) và trở thành tay sai của nhà nước. Các hợp tác xã nhân dân — dây thần kinh thiết yếu của tình đoàn kết, chủ động và tương trợ giữa thành thị và nông thôn — bị dẹp bỏ. Các Xô viết của nông dân và công nhân bị vô hiệu và biến thành các ủy ban dễ bảo. Chính phủ độc quyền mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Một bộ máy quan liêu ra đời — bất tài, tham nhũng và tàn bạo đến kinh hoàng. Cách mạng đã xa rời nhân dân và vì thế phải chịu diệt vong; thanh gươm kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố Bolshevik phủ bóng lên tất cả.

Ấy là “chủ nghĩa Cộng sản” của những người Bolshevik trong giai đoạn sơ khai của Cách mạng. Ai cũng biết nó đã làm tê liệt hoàn toàn ngành công nghiệp, nông nghiệp và giao thông. Đó là thời kỳ của “chủ nghĩa Cộng sản quân sự,” của lao động công nông cưỡng bức, của làng mạc bị pháo binh Bolshevik san bằng — những chính sách “kiến thiết” kinh tế và xã hội của chủ nghĩa Cộng sản Bolshevik đã gây ra nạn đói kinh hoàng năm 1921.

IV.

Vậy còn ngày hôm nay? Bản chất “chủ nghĩa Cộng sản” ấy liệu đã thay đổi hay chưa? Nó có khác gì so với “chủ nghĩa Cộng sản” năm 1921 không? Tôi lấy làm tiếc phải tuyên bố rằng, bất chấp các chính sách kinh tế mới cùng những thay đổi được thông cáo rộng rãi, “chủ nghĩa Cộng sản” Bolshevik về cơ bản vẫn y hệt năm 1921. Ngày nay, tầng lớp nông dân ở Liên Xô bị tước đoạt toàn bộ đất đai. Sovkhoz là những trang trại của chính phủ mà nông dân chỉ làm thuê ở đó, hệt như người công nhân trong nhà máy. Đây gọi là “công nghiệp hóa” nông nghiệp, “biến nông dân thành người vô sản.” Trong các kolkhoz, đất đai chỉ thuộc về dân làng trên danh nghĩa. Trên thực tế, chúng thuộc sở hữu của chính phủ. Bất cứ lúc nào, chính phủ cũng có thể — và thường xuyên — lệnh cho các thành viên trong kolkhoz đến lao động tại các vùng khác trên đất nước, hoặc lưu đày cả làng vì tội bất tuân. Người dân làm việc tập thể tại các kolkhoz, nhưng chính phủ kiểm soát mức trưng thu của họ. Chính phủ tùy ý đánh thuế, tùy ý ra giá thu mua ngũ cốc cùng các sản phẩm khác, và cả nông dân lẫn Xô viết của làng đều không có tiếng nói gì trong vấn đề này. Ngụy trang bằng đủ loại thuế má cũng như các khoản vay công bắt buộc, chính phủ chiếm đoạt các sản phẩm của kolkhoz, và cướp sạch ngũ cốc của họ nếu họ gây tội — dù là tội thật hay tội bịa.

Nạn đói kinh hoàng năm 1921 được thừa nhận chủ yếu là do razverstka, việc trưng thu tàn nhẫn được thi hành thời đó. Chính vì lý do này và hậu quả là một cuộc nổi dậy, Lenin đã quyết định đưa ra NEP — Chính sách Kinh tế Mới (“New Economic Policy”) nhằm hạn chế việc trưng thu của nhà nước và cho phép nông dân sử dụng một phần thặng dư của mình cho lợi ích riêng. NEP ngay lập tức cải thiện điều kiện kinh tế trên cả nước. Nạn đói năm 1932–1933 lại là do các phương pháp “Cộng sản” Bolshevik tương tự: tập thể hoá (“collectivization”) bắt buộc.

Kết quả tương tự thời 1921 xảy ra. Nó buộc Stalin phải sửa đổi phần nào chính sách của mình. Ông ta nhận ra rằng phúc lợi của một quốc gia, đặc biệt là một nước nông nghiệp như Nga, phụ thuộc chủ yếu vào tầng lớp nông dân. Phương châm được đề ra: tạo cơ hội cho người nông dân hưởng “phúc lợi.” Chính sách “mới” này được thừa nhận chỉ để cho nông dân có chỗ thở. Nó không Cộng sản hơn các chính sách nông nghiệp trước đây chút nào. Từ buổi đầu cho đến ngày hôm nay, chế độ Bolshevik chẳng là gì ngoài sự bóc lột, không cách này thì cách khác, xưa và nay khác nhau về mức độ nhưng chung một hình thức — một quá trình mà chính quyền liên tục cướp bóc giai cấp nông dân, của cấm đoán, bạo lực, thủ đoạn và trả đũa, hệt như những ngày tồi tệ nhất thời Sa hoàng và Thế chiến. Chính sách hiện thời chỉ là một biến thể của “chủ nghĩa Cộng sản quân sự” những năm 1920–1921, với nhiều quân đội hơn và ít yếu tố Cộng sản hơn. “Bình đẳng” của nó là bình đẳng của lao tù; “tự do” của nó là tự do của lao động cưỡng bức. Thật không ngạc nhiên khi những người Bolshevik tuyên bố rằng tự do là một định kiến ​​tư sản.

Những kẻ bênh vực Liên Xô nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa Cộng sản quân sự” là cần thiết trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng, trong những ngày của phong tỏa và các mặt trận quân sự. Nhưng hơn mười sáu năm đã trôi qua. Không còn phong tỏa, không còn mặt trận đấu tranh, không còn đám phản cách mạng. Liên Xô đã thâu tóm được sự công nhận từ tất cả các chính phủ lớn trên thế giới. Nó nhấn mạnh thiện chí của mình đối với các nước tư sản, kêu gọi sự hợp tác của họ và đang làm ăn lớn với họ. Trên thực tế, chính phủ Liên Xô có quan hệ hữu nghị cả với Mussolini và Hitler, những nhà đấu tranh lừng danh cho tự do. Nó đang giúp chủ nghĩa tư bản vượt qua cơn bão kinh tế bằng cách thu mua hàng triệu đô la sản phẩm và mở cửa thị trường cho chúng.

Về cơ bản, ấy là những thành quả Liên Xô đạt được trong suốt mười bảy năm kể từ cuộc Cách mạng. Nhưng chủ nghĩa Cộng sản lại là chuyện khác. Về mặt này, chính phủ Bolshevik vẫn ngựa quen đường cũ, thậm chí còn tệ hại hơn. Nó đã thực hiện một số thay đổi ngoài mặt về chính trị và kinh tế, nhưng tình trạng căn bản vẫn y nguyên, vẫn dựa trên các nguyên tắc bạo lực và bức ép, đồng thời vẫn áp dụng các phương pháp khủng bố và cưỡng bách như trong giai đoạn 1920–1921.

Liên Xô ngày nay có nhiều giai cấp hơn so với năm 1917, nhiều hơn hầu hết các nước khác trên thế giới. Những người Bolshevik đã tạo ra một bộ máy quan liêu khổng lồ, hưởng những đặc quyền và quyền lực gần như vô hạn đối với quần chúng, cả trong công nghiệp lẫn nông nghiệp. Ngồi trên bộ máy quan liêu đó vẫn là giai cấp đặc quyền của “những người đồng chí đầy trách nhiệm”, tầng lớp quý tộc Xô viết mới. Giai cấp công nghiệp lại được phân chia thành nhiều cấp bậc. Ta có udarnik, đội quân xung kích của lao động, được hưởng nhiều đặc quyền khác nhau; có các “chuyên gia”, nghệ nhân, công nhân và lao động phổ thông. Có các “chi bộ” nhà máy, các ủy ban cửa hàng, những người tiên phong, komsomoltsi, các đảng viên, tất cả đều được hưởng lợi ích vật chất và quyền lực. Có một tầng lớp lớn lishentsi — những người bị tước quyền công dân — phần lớn không có cơ hội làm việc cũng như quyền được sống ở một số nơi nhất định, bị cắt đứt mọi phương tiện tồn tại trên thực tế. “Rào cản”[1] khét tiếng thời Sa hoàng, vốn cấm người Do Thái sinh sống ở một số khu vực nhất định của đất nước, được hồi sinh với đối tượng mới là toàn thể nhân dân Nga, nhờ sự ra đời của hệ thống hộ chiếu Liên Xô mới. Nằm trên tất cả các tầng lớp này là G.P.U.[2] — đáng sợ, bí mật, quyền lực và độc đoán — một chính phủ bên trong chính phủ. Đến lượt mình, G.P.U. lại có sự phân chia giai cấp riêng. Nó có lực lượng vũ trang riêng, tổ chức thương mại và công nghiệp riêng, luật lệ và quy định riêng cùng một đội quân nô lệ khổng lồ từ lao động phạm nhân. Đúng thế, ngay cả trong các nhà tù và trại tập trung của Liên Xô cũng có nhiều tầng lớp khác nhau với những đặc quyền riêng biệt.

Kiểu “chủ nghĩa Cộng sản” như trong nông nghiệp cũng thịnh hành trong lĩnh vực công nghiệp. Một hệ thống Taylor[3] phiên bản Xô viết đang thịnh hành trên khắp nước Nga, kết hợp hạn mức sản xuất tối thiểu và làm công khoán — sự bóc lột và sỉ nhục con người ở cấp độ cao nhất — kéo theo những khác biệt to lớn về tiền lương và tiền công. Tiền công được thanh toán bằng tiền mặt, bằng khẩu phần ăn, bằng chiết khấu tiền thuê nhà hoặc tiền điện, v.v., chưa nói đến tiền thưởng và ưu đãi đặc biệt cho udarnik. Tóm lại, đó là hệ thống thù lao (“wage system”) hiện đang vận hành ở Nga.

Tôi có cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu kinh tế dựa vào hệ thống thù lao không liên quan gì đến chủ nghĩa Cộng sản hay không? Một hệ thống như vậy là phản đề của chủ nghĩa Cộng sản.

V.

Tất cả những đặc điểm này đều được tìm thấy trong hệ thống hiện nay ở Liên Xô. Thật ngây thơ, không, thật đạo đức giả đến không thể tha thứ được, khi vờ vịt — như những kẻ bênh vực đám Bolshevik vẫn làm — rằng hệ thống lao động bắt buộc ở Nga là “sự tự tổ chức của quần chúng cho mục đích sản xuất”.

Lạ thay, tôi đã thấy những kẻ có vẻ thông minh tuyên bố rằng những phương pháp đám Bolshevik sử dụng “đang xây dựng chủ nghĩa Cộng sản.” Rõ ràng họ tin rằng công cuộc xây dựng bao gồm việc tàn nhẫn phá hoại những giá trị vật chất lẫn giá trị đạo đức tốt đẹp nhất của nhân loại. Lại có những kẻ khác vờ rằng con đường dẫn đến tự do và đoàn kết đi qua lao động nô lệ và đàn áp trí thức. Theo chúng, cần tiêm nhiễm độc chất của hận thù và đố kỵ, của gián điệp và khủng bố rộng khắp để chuẩn bị cho tình anh em của chủ nghĩa Cộng sản.

Tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng không có gì ác độc hơn việc biến một con người thành bánh răng của một cỗ máy vô hồn, biến họ thành nông nô, thành gián điệp hoặc nạn nhân của một tên gián điệp. Không có gì tha hóa hơn chế độ nô lệ và chế độ chuyên quyền.

Có một tâm lý chung của mọi hình thức chuyên chế và độc tài chính trị: các phương tiện và phương pháp dùng để đạt được một mục đích nhất định, bản thân chúng sẽ trở thành mục đích cuối cùng theo thời gian. Lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản, của chủ nghĩa Xã hội, từ lâu đã không còn thôi thúc các nhà lãnh đạo Bolshevik trên tư cách một giai cấp. Quyền lực và việc củng cố quyền lực đã trở thành mục tiêu duy nhất của họ. Nhưng sự khuất phục, bóc lột và sỉ nhục đang tạo nên một tâm lý mới trong quần chúng nhân dân.

Thế hệ trẻ ở Nga là sản phẩm của các nguyên tắc và phương pháp Bolshevik. Chúng là kết quả của mười sáu năm chính kiến nhà nước, kiểu ý kiến ​​duy nhất được phép tồn tại. Lớn lên dưới sự độc quyền ý tưởng và giá trị đầy chết chóc, thanh niên Liên Xô hầu như chẳng biết gì về nước Nga, và còn biết ít hơn về thế giới bên ngoài. Thế hệ trẻ đầy những kẻ cuồng tín mù quáng, hẹp hòi và cố chấp, thiếu mọi nhận thức đạo đức, không có ý thức về công lý hay công bằng. Thêm vào đó là một thế hệ những kẻ tiến thân và ham địa vị, những kẻ tư lợi được nuôi lớn bằng giáo điều Bolshevik: “mục đích biện minh cho phương tiện.” Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu phủ nhận những ngoại lệ trong hàng ngũ thanh niên Nga. Có không ít người thật thà, anh dũng, sống có lý tưởng. Họ nhìn và cảm nhận được sức ảnh hưởng của thứ lý tưởng đảng đang được tuyên xưng lớn tiếng. Họ nhận ra trò phản bội quần chúng. Họ đau đớn vô cùng trước sự giễu cợt và nhẫn tâm đối với mọi cảm xúc con người. Sự hiện diện của komsomolszi trong các nhà tù chính trị, trại tập trung và cảnh lưu đày ở Liên Xô, cùng những cuộc vượt ngục trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất chứng tỏ rằng thế hệ trẻ không chỉ toàn những kẻ bợ đỡ hèn nhát. Không, toàn bộ tuổi trẻ nước Nga còn chưa bị biến thành những con rối, những kẻ bảo thủ mù quáng hay những kẻ sùng bái ở lăng Stalin và mộ Lenin.

Chủ nghĩa độc tài đã trở thành yếu tố tồn vong của chế độ. Bởi lẽ, nơi nào còn giai cấp và bất bình đẳng xã hội, nơi đó nhà nước còn phải dùng đến vũ lực và đàn áp. Sự khốc liệt của một hoàn cảnh như thế luôn tương xứng với sự cay đắng và phẫn uất trong quần chúng. Đó là lý do tại sao có nhiều khủng bố chính phủ ở Liên Xô hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới văn minh ngày nay, bởi lẽ Stalin phải chinh phục và nô dịch một trăm triệu nông dân ngoan cường. Sự căm hận của quần chúng đối với chế độ giải thích cho sự bê trễ khủng khiếp trong công nghiệp ở Nga, cùng với sự vô tổ chức của hệ thống giao thông vận tải sau mười sáu năm quản lý kiểu quân phiệt; giải thích cho nạn đói kinh hoàng ở khu vực phía Nam và Đông Nam, bất chấp cả điều kiện tự nhiên thuận lợi lẫn những biện pháp tàn ác nhất để ép người nông dân gieo và gặt, bất chấp cả việc thủ tiêu hàng loạt và trục xuất hơn một triệu nông dân đến các trại lao động cưỡng bức.

Chế độ độc tài Bolshevik là một chế độ chuyên chế, nó phải trở nên ngày một tàn nhẫn hơn để tồn tại, phải đàn áp tuyệt đối các luồng ý kiến ​​độc lập và chỉ trích từ nội bộ đảng, kể cả trong những giới chức cấp cao nhất. Ấy là một đặc tính cốt lõi, đến mức chủ nghĩa Bolshevik và lũ tay sai ăn lương cũng như không lương của nó phải liên tục khẳng định với thế giới rằng: “mọi chuyện đều ổn và đang ngày càng trở nên tốt đẹp hơn ở Liên Xô.” Bản chất việc này hệt như cách Hitler thường xuyên nhấn mạnh rằng hắn ta yêu hòa bình ra sao trong khi sốt sắng gia tăng sức mạnh quân sự của mình.

Chế độ độc tài đang trở nên ngày một tàn nhẫn chứ không hề có dấu hiệu cải thiện. Sắc lệnh mới nhất chống lại những người bị cho là phản cách mạng hoặc phản bội Nhà nước Xô viết, sẽ phải làm sáng mắt cả những kẻ ủng hộ nhiệt thành nhất trước những kỳ tích đang xảy ra ở Nga. Sắc lệnh này tiếp sức cho các bộ luật hiện hành, chống lại tất cả những người không thể hoặc không tôn thờ hào quang của ba ngôi thánh: Marx, Lenin và Stalin. Nó còn quyết liệt và tàn nhẫn hơn đối với những người bị coi là thủ phạm. Đương nhiên, con tin không phải chuyện gì mới lạ ở Liên Xô. Đó là một phần nỗi kinh hoàng khi tôi đến Nga. Peter Kropotkin và Vera Figner đã phản đối vết nhơ này của Cách mạng Nga trong vô vọng. Bây giờ, sau mười bảy năm cai trị của đám Bolshevik, một sắc lệnh mới được cho là cần thiết. Không chỉ hồi sinh trò bắt bớ con tin; nó còn nhắm đến việc trừng phạt tàn nhẫn mọi thành viên trưởng thành trong gia đình của kẻ phạm tội, bất kể tội thật hay bịa. Sắc lệnh mới định nghĩa tội phản quốc là:

“Bất kỳ hành vi nào của công dân Liên Xô, gây phương hại đến lực lượng quân sự cũng như nền độc lập hoặc tính bất khả xâm phạm lãnh thổ của Liên Xô, chẳng hạn như hoạt động tình báo, tiết lộ bí mật quân sự hoặc bí mật quốc gia, bỏ trốn hoặc bay[4] sang nước ngoài.”

Tất nhiên, những kẻ phản bội luôn bị xử bắn. Điều đáng sợ hơn cả của sắc lệnh mới này là hình phạt tàn nhẫn đối với tất cả những người sống cùng hoặc giúp đỡ nạn nhân xấu số, bất kể họ có biết về hành vi tội phạm hay không. Họ có thể bị bỏ tù, bị lưu đày, hoặc thậm chí bị xử bắn. Họ có thể bị tước quyền công dân hoặc mọi tài sản mà họ sở hữu. Nói cách khác, sắc lệnh này thưởng lớn cho bọn chỉ điểm, những kẻ, để cứu thân mình, để nịnh bợ G.P.U., sẽ sẵn sàng khai ra thân nhân bất hạnh của tội nhân cho đám chó săn của Liên Xô.

Sắc lệnh mới này phải vĩnh viễn dập tắt mọi ngờ vực còn sót lại về sự tồn tại của chủ nghĩa Cộng sản chân chính ở Nga. Nó đi lệch khỏi cả sự mạo danh chủ nghĩa quốc tế và lợi ích giai cấp vô sản. Giọng cũ nay biến thành một khúc hùng ca ca ngợi Tổ quốc, với báo chí tay sai Xô viết đồng ca vang dội nhất:

“Bảo vệ Tổ quốc là quy luật tối cao của cuộc sống, kẻ nào chống lại Tổ quốc, kẻ nào phản bội Tổ quốc, kẻ ấy phải bị tiêu diệt.”

Nay sự đã rõ: Liên Xô, về mặt chính trị, là một quốc gia chuyên quyền tuyệt đối, còn về mặt kinh tế, là hình thức kinh tởm nhất của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

[1] Tiếng Anh: Pale of Settlement, một khu vực định cư bắt buộc của người Do Thái thời Sa hoàng.

[2] Lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô.

[3] Hệ thống quản lý theo khoa học, còn được gọi theo tên của người phát minh ra nó là Frederick Winslow Taylor (1856 — 1915).

[4] Từ “chạy trốn” và “chuyến bay” trong tiếng Anh đồng âm khác nghĩa. Bản gốc nhấn mạnh việc đáp máy bay sang nước ngoài cũng bị coi là tội phản quốc.


retrieved on 2021-02-01 from https://theanarchistlibrary.org/library/emma-goldman-there-is-no-communism-in-russia
Original title: “There Is No Communism in Russia.”
Translator: Anonymous. All notes and footnotes are by translator.
Notes from English source: Scanned from Red Emma Speaks: An Emma Goldman Reader, third edition, compiled and edited by Alix Kates Shulman. The essay was first published in H.L. Mencken’s journal American Mercury, volume XXXIV, April 1935.—DC. This is a truncated version of “Communism: Bolshevist and Anarchist, A Comparison,” and violates the spirit of the original article.