Title: Chủ nghĩa cộng sản vô trị
Subtitle: lời giới thiệu
Author: Jacques Roux
Language: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
Date: October 2006
Source: Retrieved on 2021 June 20 from https://libcom.org/thought/anarchist-communism-an-introduction
Notes: Translated by Mèo Mun

Chủ nghĩa cộng sản vô trị (chú thích người dịch: “anarchist communism”) là một dạng chủ nghĩa vô trị (“anarchism”), chủ trương xóa bỏ Nhà nước và chủ nghĩa tư bản, ủng hộ một hệ thống phân quyền các tổ chức tự do mà qua đó, mọi người có thể tự do mưu cầu hạnh phúc.

Chủ nghĩa cộng sản vô trị (“anarchist communism” hoặc “anarcho-communism” hoặc “communist anarchism”) còn được gọi là chủ nghĩa cộng sản tự do (“libertarian communism”). Tuy nhiên, mặc dù tất cả những người cộng sản vô trị đều theo chủ nghĩa cộng sản tự do, một số người theo chủ nghĩa cộng sản tự do - chẳng hạn như những người cộng sản hội đồng (“council communist”) - lại không theo chủ nghĩa vô trị. Điểm đặc biệt của chủ nghĩa cộng sản vô trị so với các biến thể khác của chủ nghĩa cộng sản tự do là sự phản đối mọi hình thức quyền lực chính trị, hình thức thống trị cũng như hệ thống phân cấp.

Chủ nghĩa cộng sản vô trị coi trọng chủ nghĩa quân bình (“egalitarianism”), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và tiền bạc, xóa bỏ thứ bậc xã hội cũng như phân biệt giai cấp - vốn có nguồn gốc từ sự bất bình đẳng kinh tế; coi trọng hoạt động sản xuất tập thể và phân phối của cải thông qua các tổ chức tự do. Nhà nước và tài sản không tồn tại trong chủ nghĩa cộng sản vô trị. Các cá nhân cũng như tập thể tự do sản xuất theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Hệ thống sản xuất và phân phối được quản lý bởi những người trực tiếp tham gia sản xuất phân phối.

Trọng tâm của chủ nghĩa cộng sản vô trị là xóa bỏ hệ thống làm công ăn lương. Qua hoạt động phân phối của cải dựa trên nhu cầu tự quyết định, mọi người được tự do tham gia vào các hoạt động tùy theo ý thích, không còn phải làm những công việc không phù hợp với tính cách cũng như năng khiếu của bản thân. Những người cộng sản vô trị cho rằng, không có cách nào để đo lường giá trị đóng góp kinh tế của bất cứ ai, bởi lẽ mọi của cải đều là thành quả của chung các thế hệ xưa và nay. Họ chỉ ra rằng, mọi hệ thống kinh tế dựa trên tư hữu và lao động thù lao đều cần một bộ máy nhà nước cưỡng chế để thực thi quyền tài sản và duy trì các mối quan hệ kinh tế bất bình đẳng - vốn không thể tránh khỏi trong một hệ thống như vậy.

Những người cộng sản vô trị nổi tiếng có: Peter (hay Piotr) Kropotkin (Nga), Errico Malatesta (Ý) và Nestor Makhno (Ukraine). Thường được coi là nhà lý luận quan trọng nhất của chủ nghĩa cộng sản vô trị, Kropotkin đã phác thảo những ý tưởng kinh tế của mình trong các cuốn sách như “The Conquest of Bread” hay “Fields, Factories and Workshops.” Cho rằng hợp tác có lợi hơn cạnh tranh, ông lập luận trong cuốn “Mutual Aid: A Factor of Revolution” rằng điều này đã được minh họa trong tự nhiên. Tư tưởng cộng sản vô trị có ảnh hưởng rất lớn đến sự du nhập của chủ nghĩa vô trị vào Nhật Bản, nhờ nỗ lực của Kotoku Shusui - người đã trao đổi thư từ với Kropotkin cũng như biên dịch các tác phẩm của ông - vào đầu những năm 1900. Alexander Berkman và Emma Goldman (đều bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ năm 1919) cũng là những người đề xướng quan trọng của chủ nghĩa Cộng sản vô trị (“Communist anarchism”). Đặc biệt, họ kịch liệt chỉ trích chủ nghĩa Bolshevik sau khi tận mắt chứng kiến thực trạng tàn khốc của nó tại Nga, và sau khi Hồng quân nghiền nát cuộc nổi dậy Kronstadt. Đến lượt mình, họ lại chịu ảnh hưởng từ Johann Most - một người Mỹ gốc Đức từng giúp đưa tư tưởng cộng sản vô trị đến Anh qua quan hệ với Frank Kitz tại London, vào khoảng năm 1880 (tham khảo bài “Chủ nghĩa cộng sản vô trị ở Anh” để có tư liệu lịch sử đầy đủ) .

Nhiều nhà chủ nghĩa cương lĩnh (“platformist”) tự coi mình là người cộng sản vô trị, dù những người cộng sản vô trị khác không đồng tình với một số phần trong tập tài liệu “Tổ chức Cương Lĩnh” (“Organisational Platform”), chẳng hạn như vấn đề 'trách nhiệm tập thể' - được Makhno ủng hộ nhưng lại bị Malatesta phản đối. Trong lịch sử, mặc dù nhiều người cộng sản vô trị tích cực theo chủ nghĩa công đoàn vô trị (“anarcho-syndicalism”), phần đông chỉ trích những người theo chủ nghĩa công đoàn vô trị chỉ muốn xây dựng một hệ thống lao động thù lao tự quản (“self-managed wage system”), hơn là xóa bỏ hoàn toàn hệ thống thù lao. Họ chỉ ra rằng, bất kỳ hệ thống nào duy trì quan hệ kinh tế dựa trên việc trả công theo năng lực cũng như giao dịch đều không có tính cộng sản.

Ngày nay, những người cộng sản vô trị có đại diện trong một số tổ chức thuộc Liên đoàn Vô trị Quốc tế, bao gồm Liên đoàn Vô trị (“Anarchist Federation”) (Anh). Những người theo chủ nghĩa cộng sản cương lĩnh vô trị (“platformist anarchist communist”) nằm trong những tổ chức như Phong trào Đoàn kết Công nhân (“Workers Solidarity Movement”) (Ireland) và Liên đoàn Cộng sản Vô trị vùng Đông Bắc (“North-Eastern Federation of Anarchist Communists”) (Hoa Kỳ). Nhiều nhóm vô trị mới ra đời ở Đông Âu, Nga và Kavkaz theo chủ nghĩa cộng sản vô trị, và hiện nay có một làn sóng cộng sản vô trị mạnh mẽ trong các tổ chức vô trị đương thời ở Mỹ Latinh và Caribe.