Title: Nhập môn Anti Chủ nghĩa Tư bản
Subtitle: Anti-Capitalism 101
Author: Steve Klabnik
Language: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
Date: 2012-03-31
Notes: Translator: Anonymous. All notes and footnotes are by translator.

      Chủ nghĩa tư bản: lời giới thiệu

        Lao động không công

        Cạnh tranh

        Nhà nước

        Lịch sử

        Tương lai

      Giai cấp & Đấu tranh Giai cấp: lời giới thiệu

        Giai cấp và Chủ nghĩa Tư bản

        Giai cấp lao động

        Đấu tranh giai cấp

        Ngoài nơi làm việc

        “Tầng lớp trung lưu”

        Kết luận

Mọi người thường ngạc nhiên khi biết tôi là một người anti chủ nghĩa tư bản. Ít nhất là ở Mỹ, nhiều người coi chủ nghĩa tư bản là chuyện đương nhiên, thậm chí là chuyện xưa nay vẫn thế. Thật không may, có quá nhiều sự lươn lẹo và nhầm lẫn quanh chủ đề này, nên để phân tích nó thường tiêu tốn khá nhiều thời gian. Tôi đã định viết về chủ đề này, nhưng sau đó lại tìm được một tác phẩm tuyệt vời tên “Capitalism, Class, and Class Struggle for (ex) Dummies.[1]” Dưới đây, tôi xin được phỏng lược lại nó cùng vài suy nghĩ và chỉnh sửa của riêng mình. Tác phẩm gốc lại được phỏng theo bài viết nàybài viết này từ LibCom.org, vì vậy nếu bạn muốn xem toàn bộ lịch sử, bạn có thể đọc cả các phiên bản đó.

Tôi dự định sẽ tiếp tục gọt giũa bài này trong tương lai, bởi nó vẫn còn nhiều chỗ chưa rõ ràng. Mọi ý kiến đóng góp đều vô cùng được hoan nghênh!


Chủ nghĩa tư bản: lời giới thiệu

Ở gốc rễ của nó, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế dựa trên ba yếu tố: lao động thù lao (làm công ăn lương), sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất (những thứ như nhà máy, thiết bị, nông trại và văn phòng), và sản xuất để trao đổi cũng như thu lợi.

Trong khi một số người sở hữu vốn hoặc phương tiện sản xuất, hầu hết chúng ta đều không sở hữu những thứ đó, và vì vậy, để tồn tại ta phải bán sức lao động để đổi lấy tiền lương, hoặc sống qua ngày bằng phúc lợi xã hội. Nhóm đầu tiên là giai cấp tư bản hay “giai cấp tư sản” (chú thích người dịch: “bourgeoisie”) theo thuật ngữ chủ nghĩa Mác, và nhóm thứ hai là giai cấp lao động hay “giai cấp vô sản” (“proletariat”). Những thuật ngữ này được nhắc qua để bạn đọc dễ liên hệ với các tài liệu khác, ta sẽ tránh dùng đến chúng trong văn bản này.

Chủ nghĩa tư bản hoạt động dựa trên một quá trình đơn giản — tiền được đem đi đầu tư để làm ra nhiều tiền hơn. Với chức năng này, tiền được gọi là vốn (hoặc tư bản). Ví dụ: khi một công ty dùng lợi nhuận để thuê thêm nhân viên hoặc mở thêm chi nhánh mới, qua đó kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, đồng tiền ở đây đang hoạt động trên tư cách tư bản. Khi tư bản tăng lên (hoặc nền kinh tế mở rộng), quá trình đó được gọi là “tích lũy tư bản” — động lực của nền kinh tế.

Để tích lũy tư bản hiệu quả hơn, người tích luỹ cần bắt người khác gánh chịu chi phí. Nếu các công ty có thể cắt giảm chi phí bằng cách phá hoại môi trường hoặc trả lương rẻ mạt, họ sẽ làm như vậy. Thế nên, biến đổi khí hậu khủng khiếp và nghèo đói lan rộng là những dấu hiệu cho thấy hệ thống đang hoạt động bình thường. Hơn nữa, để tiền làm ra nhiều tiền hơn, cần ngày một nhiều những thứ có thể đổi thành tiền. Do đó, từ các vật dụng hàng ngày đến trình tự DNA đến khí thải carbon dioxide — và quan trọng nhất là sức lao động của chúng ta — tất cả đều bị biến thành hàng hoá (“commodified”).

Điểm cuối cùng này — sự hàng hoá hoá (“commodification”) năng lực sáng tạo, năng suất sản xuất cũng như khả năng làm việc của chúng ta — chính là bí quyết tích lũy tư bản. Tiền không biến thành nhiều tiền hơn bằng phép thuật, mà bằng công việc ta làm hàng ngày.

Trong một thế giới mà mọi thứ đều để đem bán, chúng ta ai cũng cần bán thứ gì đó để mua những thứ mình cần. Những người không có gì để bán ngoại trừ khả năng làm việc của mình phải bán khả năng này cho những kẻ sở hữu nhà máy, văn phòng, v.v. Đương nhiên, những thứ ta sản xuất ra tại nơi làm việc không phải của ta — chúng thuộc về các ông chủ.

Thêm vào đó, do làm việc nhiều giờ cũng như cải thiện năng suất, v.v., người lao động chúng ta sản xuất nhiều hơn gấp bội mức sống cần thiết cho bản thân. Tiền lương mà ta nhận được chỉ vừa đủ chi cho nhu yếu phẩm để giữ ta sống sót và tiếp tục làm việc qua ngày (đây là lý do tại sao vào cuối mỗi tháng, số dư tài khoản của ta hiếm khi thay đổi so với tháng trước). Sự chênh lệch giữa tiền lương ta được trả và giá trị ta tạo ra là cách tư bản được tích lũy, hay lợi nhuận được sinh ra.

Chênh lệch giữa tiền lương ta được trả và giá trị ta tạo ra được gọi là “giá trị thặng dư” (“surplus value”). Việc các chủ lao động chiếm lấy giá trị thặng dư này là lý do ta coi chủ nghĩa tư bản là một hệ thống xây dựng trên sự bóc lột — sự bóc lột giai cấp lao động. Về cơ bản, quá trình này là tương tự trong mọi kiểu lao động làm công ăn lương, chứ không chỉ trong các công ty tư nhân. Người lao động trong các khu vực công cũng liên tục chật vật với tiền lương và điều kiện làm việc, do sự cắt giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận trên toàn nền kinh tế.

Lao động không công

Quá trình tích lũy tư bản cũng phải dựa dẫm vào những công việc không được trả lương, chẳng hạn như việc nhà hay nội trợ. Điều này bao gồm việc tái hiện sức lao động dưới hình thức sinh đẻ và nuôi dạy con cái — thế hệ người lao động kế tiếp — cũng như phục vụ lực lượng lao động hiện thời về mặt thể chất, tình cảm cũng như tình dục. Kiểu lao động không công này chủ yếu do phụ nữ thực hiện.

Phục vụ đàn ông và trẻ em ở nhà có lợi cho tư bản: bằng cách coi việc nội trợ và sinh sản như “thiên chức của người phụ nữ” chứ không phải một công việc, chủ nghĩa tư bản hưởng lợi từ hình thức lao động không công. Khi tư bản trả lương cho người chồng, nó kiếm được hai người lao động chứ không chỉ một. Từ chối trả lương cho lao động nội trợ khiến công việc này trở nên vô hình, qua đó phân chia giai cấp lao động thành lao động ăn lương và lao động không công — đôi bên đều phải trả giá.

Cạnh tranh

Để tích lũy tư bản, chủ lao động của ta phải cạnh tranh trên thương trường với chủ của các công ty khác. Họ không thể lờ đi các lực lượng thị trường, nếu không họ sẽ thất thế trước các đối thủ, thua lỗ, phá sản, bị thu mua, và cuối cùng là khỏi phải làm chủ của ta nữa. Do đó, ngay cả các ông chủ cũng không thực sự kiểm soát được chủ nghĩa tư bản, chính tư bản mới là thứ nắm quyền kiểm soát. Vì lẽ này mà ta có thể nói về tư bản như thể tự thân nó có ý thức hoặc lợi ích riêng của mình. Do đó, thường bàn về “tư bản” sẽ chính xác hơn là bàn về các ông chủ.

Do đó, cả ông chủ lẫn người lao động đều bị tha hóa[2] (“alienated”) bởi quá trình này, dù theo những cách khác nhau. Trên vị thế người lao động, ta trải nghiệm sự tha hóa qua việc bị sếp kiểm soát, còn chủ lao động lại trải nghiệm nó qua các thế lực thị trường vô cảm và sự cạnh tranh với các ông chủ khác.

Do đó, các ông chủ và các chính trị gia cũng đều bất lực trước các “thế lực thị trường,” mỗi người trong số họ đều cần phải làm lợi cho quá trình tích lũy tư bản liên tục (và thường họ làm việc này rất hiệu quả!). Họ không thể hành động cho lợi ích của chúng ta, vì bất kỳ nhượng bộ nào họ dành cho ta sẽ làm lợi cho đối thủ của họ, ở tầm quốc gia hay quốc tế.

Ví dụ: nếu một nhà sản xuất phát triển công nghệ sản xuất ô tô mới, giúp tăng gấp đôi năng suất, họ có thể sa thải một nửa số nhân viên, tăng lợi nhuận và giảm giá bán xe hòng qua mặt đối thủ. Nếu một công ty khác muốn đối xử tử tế với nhân viên của mình và không cắt giảm nhân công, cuối cùng nó sẽ phá sản hoặc bị đối thủ tàn nhẫn hơn mua lại — vậy nên kiểu gì công ty ấy cũng phải đưa máy móc mới vào hoạt động và sa thải nhân viên để duy trì năng lực cạnh tranh.

Tất nhiên, nếu các doanh nghiệp được hoàn toàn tự do làm theo ý mình, sự độc quyền (“monopoly”) sẽ sớm phát triển và kìm hãm cạnh tranh, khiến hệ thống bị đình trệ. Do đó, nhà nước sẽ can thiệp vì lợi ích dài hạn của tư bản nói chung. Ta đã chứng kiến điều này xảy ra ở Mỹ thời Robber Baron[3].

Nhà nước

Chức năng chính của nhà nước trong xã hội tư bản là duy trì hệ thống tư bản và hỗ trợ quá trình tích lũy tư bản. Do đó, nhà nước áp đặt những luật lệ hà khắc và bạo lực lên giai cấp lao động khi chúng ta cố gắng giành lợi ích cho bản thân và chống lại tư bản. Ví dụ: đưa ra luật chống đình công, điều cảnh sát hoặc binh lính đến ngăn các cuộc đình công và biểu tình.

Thể chế nhà nước “lý tưởng” của chủ nghĩa tư bản hiện nay là dân chủ tự do (“liberal democracy”), tuy nhiên, tư bản tuỳ thời dùng các hệ thống chính trị khác nhau để duy trì quá trình tích lũy tư bản. Chủ nghĩa tư bản nhà nước (“state capitalism”) ở Liên Xô, chủ nghĩa phát xít ở Ý và Đức là hai mô hình như vậy — chính quyền khi ấy cần chúng để chiếm dụng và đè bẹp các phong trào mạnh mẽ của giai cấp lao động, vốn đe dọa đến tồn vong của chủ nghĩa tư bản.

Khi sự quá đáng của các ông chủ buộc công nhân phải kháng cự lại, ngoài việc đàn áp, nhà nước thỉnh thoảng cũng can thiệp để đảm bảo hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường mà không bị gián đoạn. Thế nên mới có các điều luật quốc gia và quốc tế bảo vệ quyền của người lao động cũng như môi trường. Nói chung, việc thực thi và sức mạnh của các điều luật này dao động theo cán cân quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động, mọi lúc mọi nơi. Ví dụ, ở Pháp, nơi người lao động có tổ chức và mạnh bạo hơn, một tuần làm việc có thời gian tối đa là 35 giờ. Ở Anh, nơi người lao động kém mạnh mẽ hơn thì thời gian tối đa là 48 giờ. Ở Mỹ, nơi khả năng người lao động đình công còn thấp hơn nữa thì chẳng có mức tối đa nào cả.

Lịch sử

Chủ nghĩa tư bản được tô vẽ như một hệ thống “tự nhiên,” sinh ra như những ngọn núi hoặc lục địa hình thành từ những lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người — một hệ thống kinh tế là kết quả cuối cùng của bản chất con người. Tuy nhiên, nó không được thiết lập bởi các “lực lượng tự nhiên,” mà bằng bạo lực tàn bạo và quy mô trên toàn cầu. Đầu tiên, ở các quốc gia “phát triển”, việc rào lại đất đai[4] đẩy những người nông dân vốn quen tự cung tự cấp từ đất công xã vào thành phố để làm việc trong các nhà máy. Mọi phản kháng đều bị nghiền nát. Những người chống lại lao động thù lao cưỡng bức bị xử theo luật vô gia cư (“vagabond laws”), bị tra tấn, trục xuất hoặc hành quyết. Chỉ riêng ở Anh dưới triều Henry VIII[5], 72.000 người đã bị hành quyết vì tội vô gia cư.

Sau đó, chủ nghĩa tư bản lan rộng qua những cuộc xâm lược và chinh phục của các đế quốc phương Tây trên toàn cầu. Các nền văn minh bị hủy diệt tàn bạo, các cộng đồng bị đẩy khỏi đất của họ và rơi vào lao động thù lao. Số ít quốc gia tránh khỏi bị xâm lược là những quốc gia — như Nhật Bản — tự áp dụng chủ nghĩa tư bản để cạnh tranh với các đế quốc khác. Ở mọi nơi chủ nghĩa tư bản bắt rễ, nông dân và người lao động thời kỳ đầu luôn luôn chống cự, nhưng cuối cùng đều bị khuất phục bởi khủng bố và bạo lực trên diện rộng.

Chủ nghĩa tư bản không nảy sinh từ một tập hợp các quy luật tự nhiên bắt nguồn từ bản chất con người: nó được lan rộng bởi bạo lực có tổ chức của giới thượng lưu. Khái niệm sở hữu tư nhân đất đai và tư liệu sản xuất hiện nay tưởng như là chuyện đương nhiên, nhưng ta phải nhớ rằng nó là một khái niệm do con người tạo ra và bị cưỡng ép thực thi bằng sự chinh phục. Tương tự, sự tồn tại của một tầng lớp những người không có gì để bán ngoài sức lao động của mình cũng không phải chuyện xưa nay vẫn vậy — đất đai chung của tất cả đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực, những người bị cưỡng đoạt buộc phải làm công ăn lương dưới sự đe dọa của cái chết vì nghèo đói, thậm chí vì bị hành quyết. Khi tư bản mở rộng, nó tạo ra một giai cấp lao động trên toàn cầu — chiếm phần lớn dân số thế giới — những người nó bóc lột nhưng đồng thời cũng phải phụ thuộc vào.

Tương lai

Chủ nghĩa tư bản mới chỉ tồn tại với tư cách là hệ thống kinh tế chủ đạo trên thế giới được hơn 200 năm. So với nửa triệu năm sinh tồn của nhân loại, nó chỉ là một đốm sáng ngắn ngủi. Thế nên, thật ngây thơ nếu cho rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi. Tất cả dựa vào chúng ta — giai cấp lao động, và sức lao động của chúng ta mà chủ nghĩa tư bản phải bóc lột. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản chỉ tồn tại chừng nào chúng ta còn để nó tồn tại.

Giai cấp & Đấu tranh Giai cấp: lời giới thiệu

Đầu tiên phải nói, có nhiều cách khác nhau để bàn đến giai cấp. Thông thường, khi nói về giai cấp, người ta nói về nhãn dán văn hóa/xã hội. Ví dụ, tầng lớp trung lưu thích phim nước ngoài, tầng lớp lao động thích bóng đá, tầng lớp thượng lưu thích mũ chóp, v.v.

Tuy nhiên, có một cách tiếp cận khác — dựa trên vị thế kinh tế của các giai cấp. Ta dùng cách tiếp cận này bởi ta cần nó để lý giải cách xã hội tư bản vận hành, và qua đó, hiểu cách thay đổi nó.

Cần nhấn mạnh rằng định nghĩa về giai cấp của ta không phải để phân loại các cá nhân hay nhét họ vào các khuôn mẫu, mà là để lý giải các lực lượng hình thành nên thế giới, hiểu tại sao các ông chủ và chính trị gia lại hành động như vậy và tìm cách cải thiện điều kiện của bản thân.

Giai cấp và Chủ nghĩa Tư bản

Hệ thống kinh tế chủ đạo trên thế giới hiện nay được gọi là chủ nghĩa tư bản. Như đã nói, chủ nghĩa tư bản về cơ bản là một hệ thống dựa trên sự tự bành trướng của tư bản — hàng hóa và tiền làm ra nhiều hàng hóa và nhiều tiền hơn.

Điều này không xảy ra nhờ phép thuật, mà nhờ lao động của con người. Chúng ta chỉ được trả công bằng một phần nhỏ so với những gì ta sản xuất ra. Chênh lệch giữa giá trị sản xuất và tiền công là “giá trị thặng dư.” Số tiền này được chủ lao động của ta đút túi làm lợi nhuận và tái đầu tư để kiếm thêm tiền, hay dùng để mua bể bơi, áo khoác lông thú và đủ thứ trên đời khác.

Vì mục đích này, cần tạo ra một tầng lớp những người không sở hữu bất cứ thứ gì có thể dùng để kiếm ra tiền — như văn phòng, nhà máy, đất nông nghiệp hoặc các phương tiện sản xuất khác. Tầng lớp này sẽ phải bán khả năng lao động của mình để mua hàng hóa và dịch vụ thiết yếu nếu họ muốn tồn tại. Họ chính là giai cấp lao động.

Vì vậy, ở một cực là giai cấp lao động — chẳng có gì để bán ngoài sức làm việc của mình. Ở cực còn lại là những kẻ sở hữu tư bản — thuê nhân công để bành trướng tư bản. Các cá nhân trong xã hội sẽ rơi vào một điểm nào đó giữa hai cực này. Nhưng từ quan điểm chính trị, điều quan trọng không phải là vị trí của các cá nhân, mà là mối quan hệ xã hội giữa các giai cấp.

Giai cấp lao động

Giai cấp lao động — hay còn gọi là “giai cấp vô sản” — là giai cấp buộc phải làm công ăn lương để tồn tại, hoặc đăng ký trợ cấp nếu không thể kiếm được việc hay quá ốm đau, già yếu để làm việc. Chúng ta bán thời gian và năng lượng của mình cho chủ lao động, vì lợi ích của chủ lao động.

Công việc của chúng ta là nền tảng của xã hội này. Và thực tế là xã hội này phải dựa vào công việc chúng ta làm, đồng thời cũng vắt kiệt ta hòng tối đa hóa lợi nhuận — đây là điểm yếu của nó.

Đấu tranh giai cấp

Khi ta đi làm, thời gian cũng như hoạt động của ta không phải của cá nhân ta. Ta phải tuân lệnh đồng hồ báo thức, thẻ thời gian, quản lý, hạn chót và chỉ tiêu.

Công việc chiếm phần lớn cuộc sống của chúng ta. Ta thậm chí còn phải gặp quản lý nhiều hơn là gặp bạn bè và người thân. Dù có yêu thích một phần công việc đi nữa, ta vẫn thấy nó như một thứ gì thật xa lạ mà ta chẳng có mấy quyền kiểm soát. Điều này đúng cả khi ta nói về chi tiết công việc thực tế hay số giờ làm, giờ nghỉ, ngày phép, v.v.

Công việc cưỡng ép như vậy buộc ta phải chống cự.

Nhà tuyển dụng và chủ lao động muốn lượng công việc tối đa từ chúng ta, muốn giờ làm dài nhất và muốn trả mức lương rẻ mạt nhất. Trong khi đó, ta lại muốn được tận hưởng cuộc sống của mình: ta không muốn làm việc quá sức, ta muốn lương cao hơn và muốn giờ làm ngắn hơn.

Sự đối lập này là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản. Hai phe này xô đẩy nhau: người sử dụng lao động cắt lương, tăng giờ làm, đẩy nhanh tiến độ làm việc. Nhưng chúng ta cố gắng phản kháng: hoặc mỗi cá nhân lẳng lặng làm việc chậm lại, nói chuyện riêng với đồng nghiệp, cáo ốm hay chuồn về sớm. Hoặc chúng ta có thể kháng cự một cách công khai và đoàn kết bằng các cuộc đình công, lãn công, chiếm đóng nơi làm việc, v.v.

Đây chính là sự đấu tranh giai cấp — xung đột giữa chúng ta — những người phải làm công ăn lương, và những người chủ cũng như chính phủ — những người thuộc giai cấp tư bản, hay “giai cấp tư sản.” Bằng cách chống lại sự áp đặt công việc, ta tuyên bố rằng cuộc đời ta quan trọng hơn lợi nhuận của chủ lao động. Điều này tấn công vào chính bản chất của chủ nghĩa tư bản, nơi lợi nhuận là lý do cốt yếu để làm bất cứ điều gì, và chỉ ra tiềm năng của một thế giới không có giai cấp cũng như sự tư hữu phương tiện sản xuất. Chúng ta — giai cấp lao động — chống lại sự tồn tại của chính mình. Chúng ta — giai cấp lao động — đấu tranh chống lại công việc và giai cấp.

Ngoài nơi làm việc

Đấu tranh giai cấp không chỉ diễn ra ở nơi làm việc. Xung đột giai cấp bộc lộ ra ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Ví dụ, những người thuộc giai cấp lao động chúng ta ai cũng quan tâm đến nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, giá cả phải chăng đối với ta nghĩa là không có lợi đối với họ. Trong nền kinh tế tư bản, xây các khu chung cư cao cấp có lý hơn là xây nhà mọi người đều có đủ tiền để vào ở, ngay cả khi hàng chục ngàn người đang phải chịu cảnh vô gia cư. Vì vậy, các cuộc đấu tranh bảo vệ nhà ở xã hội, hay việc chiếm dụng bất động sản trống để ở cũng là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.

Tương tự, việc cung cấp dịch vụ y tế cũng có thể là một điểm xung đột giai cấp. Chính phủ và các công ty cố cắt giảm chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe bằng cách cắt giảm ngân sách và áp dụng phí dịch vụ để đẩy gánh nặng chi phí cho giai cấp lao động, trong khi chúng ta lại muốn có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, với mức chi phí thấp nhất có thể.

“Tầng lớp trung lưu”

Dù lợi ích kinh tế của các nhà tư bản đối lập trực tiếp với lợi ích của người lao động, một bộ phận thiểu số của giai cấp lao động khá giả hơn hoặc có nhiều quyền lực hơn ở một mức độ nào đó so với những người còn lại. Khi bàn về lịch sử và chuyển biến xã hội, để lý giải hành vi của các nhóm khác nhau, sẽ tiện hơn nếu gọi bộ phận này của giai cấp vô sản là “tầng lớp trung lưu,” mặc dù trên thực tế họ không phải là một tầng lớp kinh tế riêng biệt.

Đấu tranh giai cấp đôi khi có thể đi lệch hướng nếu ta để tầng lớp trung lưu được hình thành hoặc mở rộng. Margaret Thatcher[6] — biết rằng người lao động sẽ ít đình công hơn nếu họ có một khoản cầm cố — khuyến khích sở hữu nhà ở bằng cách bán rẻ nhà ở xã hội tại Anh trong các cuộc đấu tranh lớn hồi những năm 1980, qua đó cho phép một bộ phận người lao động trở nên khá giả hơn ở mức cá nhân thay vì tập thể. Ở Nam Phi, việc hình thành một tầng lớp người da đen trung lưu khi chế độ phân biệt chủng tộc bị lật đổ — bằng cách cho phép dịch chuyển xã hội một cách hạn chế và trao cho một số người lao động da đen quyền lợi trong hệ thống — đã khiến cuộc đấu tranh của người lao động đi lệch hướng.

Các ông chủ cố gắng tìm đủ mọi cách để chia rẽ giai cấp công nhân cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, bao gồm chênh lệch mức lương, địa vị nghề nghiệp lẫn chủng tộc và giới tính. Cần nhấn mạnh một lần nữa: ta dùng các định nghĩa giai cấp này để lý giải các lực lượng xã hội đang hoạt động, chứ không phải để gắn nhãn các cá nhân hay đoán định cách các họ sẽ phản ứng trong một tình huống nhất định.

Kết luận

Nói về giai cấp theo quan điểm chính trị không phải nói về ngữ giọng[7] của một người, mà là nói về xung đột cơ bản định nghĩa nên chủ nghĩa tư bản — những người trong chúng ta phải làm việc để kiếm sống đối đầu với những người hưởng lợi từ công việc chúng ta làm. Bằng cách đấu tranh cho lợi ích và nhu cầu của bản thân, ta chống lại sự sai khiến của tư bản và thị trường, đặt nền móng cho một kiểu xã hội mới — một xã hội không có tiền, không có giai cấp hay chủ nghĩa tư bản, được tổ chức để trực tiếp đáp ứng các nhu cầu của ta: một xã hội Cộng sản Tự do (“Libertarian Communist”).

[1] Tạm dịch: “Chủ nghĩa Tư bản, Giai cấp và Đấu tranh Giai cấp cho kẻ (từng) ngốc.”

[2] Karl Marx đề ra Lý thuyết Tha hóa (tiếng Anh: Theory of Alienation). Thuyết này nói rằng chủ nghĩa tư bản và hệ quả của nó là một xã hội giai cấp khiến con người, đặc biệt là người lao động, bị tha hóa — tha hóa khỏi sản phẩm lao động, tha hóa khỏi lao động, tha hóa khỏi bản chất con người và tha hóa khỏi những người lao động khác.

[3] Danh từ chung chỉ những trùm tư bản vô đạo đức thời thế kỷ 19 ở Mỹ.

[4] Tiếng Anh: enclosure. Chính sách tại Anh bắt đầu được thi hành từ thế kỷ 13. Các khu đất từng là của chung bị quy hoạch lại thành các trang trại lớn, quyền sử dụng bị hạn chế (tư hữu hóa) chỉ dành cho chủ đất.

[5] Henry VIII tại vị từ năm 1509 đến năm 1547.

[6] Margaret Thatcher (1925 — 2013): cựu Thủ tướng Anh.

[7] Ở một số khu vực (đặc biệt là ở Anh), đôi khi các tầng lớp xã hội có ngữ giọng riêng của họ. Ví dụ, một người lao động phía Đông London sẽ có ngữ giọng khác với ngữ giọng của một sinh viên Oxford hay Nữ hoàng.