Title: Tuyên ngôn của những người Nằm dài
Subtitle: Hỡi những người Nằm dài trên Trái đất này, kết đoàn lại!
Author: Anonymous
Language: Vietnamese
Date: 2021
Source: https://theanarchistlibrary.org/library/anonymous-tangpingist-manifesto
Notes: Translator: fireflower.

I. Giới thiệu của người dịch

Nguồn gốc của bài viết này rất khó xác định. Có vẻ như bài này được lúc đầu được đăng lên WeChat (một nền tảng mạng xã hội nổi tiếng ở Trung Quốc), sau đó được chia sẻ sang những nền tảng tiếng Trung khác nằm ngoài tầm kiểm soát của ĐCSTQ và chính quyền TQ, hoặc là ngược lại, vào ngày 1/6/2021. Dù nguồn gốc của nó không rõ ràng và tác giả ẩn danh, việc hiểu được bối cảnh của tác phẩm này rất quan trọng.

Bị đàn áp bởi văn hóa làm việc giết người 996 (Làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày trong tuần), đây cũng chính là trải nghiệm chung của mọi người Trung Quốc ngày nay. Luo Huazhong, một người trẻ như vậy, đã đưa ra một quyết định hết sức cấp tiến: không tham gia guồng máy tàn nhẫn đó nữa. Trong một loạt những bài đăng trên mạng xã hội, thứ rất nhanh sau đó bị kiểm duyệt, Luo Huazhong, với bút danh Người lữ khách tốt bụng, đã kể lại trải nghiệm của mình đối với một lối sống hoàn toàn khác được anh đặt tên là Nằm dài.

Lối sống được anh mô tả là một dạng lối sống “lãng du”, nhấn mạnh tới việc dành càng ít thời gian đi làm càng tốt. Trong những bài đăng đó, anh chia sẻ cách anh sống hạnh phúc mà không đi làm trong hai năm qua, thay vì ném mình vào guồng quay để đáp ứng những kì vọng ngày càng lớn của xã hội thống trị, và bị đè nghẹt bởi hàng hóa. Vào lúc đó, anh nhận ra rằng, một bữa ăn hợp lý, với điều kiện sống vừa đủ đã giúp anh đáp ứng tốt hơn nhiều vì chúng cho phép anh có thể dành thời gian để làm những hoạt động khác ý nghĩa hơn, như đạp xe từ Tứ Xuyên lên Tây Tạng, leo núi và đọc triết.

Từ tháng Tư năm 2021, khi ý tưởng này được phổ biến và sau đó bị cấm trên mọi nền tảng mạng xã hội, phong trào Nằm dài đã phổ biến nhanh chóng và trở thành một dạng vấn đề “nhạy cảm” trong văn hóa Trung Quốc. Tất nhiên sau đó ĐCSTQ đã lên án nó, các trang web của chính quyền kết tội nó là một thứ chủ nghĩa hư vô tư sản. Thế nhưng, sự kiểm duyệt không thể tiêu diệt và chôn vùi phong trào, thế nên truyền thông nhà nước đã bắt đầu nghĩ ra diễn ngôn xung quanh thứ mà họ gọi là những vấn đề “thật sự” mà phong trào Nằm dài bóc trần.

Phong trào Nằm dài có điểm lợi ở chỗ ngay từ nguồn gốc của nó đã mang tính chất “meme”, và điều đó đã giúp nó dễ dàng né được sự kiểm duyệt của nhà nước, và hình ảnh những cây hẹ rạp xuống (biểu tượng của phong trào Nằm dài) vẫn còn có thể thấy trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Nằm dài, cũng như hầu hết những ý tưởng chính của nó, được cấu thành bởi những thành phần hầu hết là ẩn danh. Luo Huazhong không phải là một lãnh tụ, cũng chẳng phải đấng cứu thế. Anh đơn giản chỉ là người đầu tiên đăng meme mở đầu phong trào Nằm dài lên. Và tác giả của tác phẩm này cũng chỉ là một người Nằm dài vô danh khác.

II. Giới thiệu: Sự khước từ vĩ đại của những kẻ nằm dài

Một số người trẻ, ghê tởm trước những gì mà họ chứng kiến, đã bắt đầu vượt lên. Thay vì bị nghiền nát bởi thế giới tàn nhẫn này, họ quyết định nghe theo tiếng gọi của chính mình. Dáng nằm của họ tựa hồ như nghỉ ngơi, nằm ngủ, ốm đau, hay là cái chết, chẳng phải để “làm mới” chính mình, mà chính là sự khước từ trật tự của thời gian.

Tiếng gọi của dòng lịch sử vĩ đại xa xôi ấy, thứ luôn muốn biến cuộc sống thành nguồn dầu đốt bất tận, thứ đã từng không ngừng thúc ép họ phải bước đi, giờ đây chỉ như tiếng vo ve của ruồi muỗi bên tai. Đây là khi một thứ ma thuật thất bại, và loại ma thuật khác quay trở lại với đời sống.

Và như một lẽ tất yếu, nếu không phải vì lời nhắc nhở của những người Nằm dài, có lẽ mọi người đã quên rằng, vẫn tồn tại một thứ gọi là “công lý”. Cũng giống như những người nhân viên đang muốn chiếm lại thời gian từ tay đám chủ bằng cách chơi lại chúng (chú thích: từ gốc ở đây là “bắt cá”, bắt nguồn từ một ngạn ngữ của Trung Quốc, tạm dịch là “vùng sình lầy dễ bắt cá hơn”, ý tưởng của nó là tận dụng đại dịch COVID-19 để đánh lạc hướng giới chủ khỏi việc quản lý nhân viên), những người Nằm dài, cũng đồng hành trên con đường đó, đang đòi lại món nợ bất tận từ quá khứ. Chúng ta tin rằng, liệu pháp này cần những người tuân theo nó cần phải giảm nhu cầu của người đó để có thể tồn tại, bằng cách tiêu thụ ít và làm việc ít. Tuy nhiên, còn có một nhu cầu bức thiết khác nổi lên đó chính là sự tái phân phối thời gian và không gian của toàn xã hội, nên Nằm dài đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Và dạng thức đầu tiền này đương nhiên chính là một phong trào Nằm dài.

Bè lũ quý tộc cũ và quý tộc mới sợ lợi ích của chúng bị đe dọa. Chúng có đầy đủ những lý do để lo sợ ý tưởng hủy diệt này, thứ buông bỏ lao động, lan tràn như một thứ bệnh dịch mà chẳng vaccine nào chữa nổi. Nhưng thay vì nhận ra rằng phong trào đang diễn ra rất nhanh này là một tấm gương phản chiếu tâm tư nguyện vọng của mọi người trước những vấn đề của cuộc sống, chúng lại rêu rao nó là một sản phẩm của những thế lực thù địch. Tất nhiên, cũng khá dễ hiểu khi chúng nói vậy. Vì trong quá khứ, nhân dân xứ này luôn là những cỗ máy lao động xuất sắc. Hiếm có những nhà máy xã hội nào trên thế giới có thể làm các cỗ máy của nó chạy trơn tru, không một tiếng vang, cứ như thể cỗ máy ấy là một thể loại hư vô gì đó chạy không tí trở lực nào. Và mọi người cứ như là một dạng hư vô, và cái quốc gia này là một thứ thực tại được rặn ra từ hư vô một cách thần kì.

Rồi cuộc đấu tố những người Nằm dài bắt đầu. Nhưng những lời miệt thị, lên án này thật sáo rỗng và thiếu sức sống, chẳng thể nào nâng đầu người Nằm dài lên. Nhưng đối với những kẻ cho rằng những người Nằm dài chỉ là một đám cặn bã lười nhác, những tên ăn xin không ước mơ, hãy nghe lời hồi đáp này. Đừng có nghĩ rằng việc nằm dài là dễ dàng. Mà ngược lại, vào cái thời khắc họ nằm xuống, thân xác người Nằm dài đã không còn trong cái đất nước này rồi. Không chỉ sự tồn tại của họ cấu thành một “dân tộc” mới, mà mảnh đất họ nằm lên cũng tách biệt hẳn khỏi cái đất nước xưa cũ ấy. Nếu như họ đã không muốn bị động đến, thì tình trạng này cũng chẳng có gì liên quan đến chủ quyền và quyền tư hữu. Thân xác này chẳng liên quan gì đến sự chiếm hữu và phân phối, và mảnh đất này không muốn chịu sự quản chế nào. Một phong trào Nằm dài triệt để đánh dấu một sự khước từ hoàn toàn trật tự hiện tồn. Những người Nằm dài chế nhạo không thương xót những nhóm hội của thiết chế, thờ ơ với mọi sự chỉ trích hay tâng bốc.

Cứ xoay mặt đất này 90 độ, và ta sẽ thấy một sự thật phũ phàng rằng: Những người nằm lại hóa ra đứng, còn người đang đứng lại hóa ra bò. Thế giới quan này chính là rào cản không thể vượt qua giữa những người nằm dài và những “công dân mẫu mực”. Và cho đến khi thế giới này hoàn toàn biến mất, những người Nằm dài chẳng có lý do nào để thay đổi lập trường.

III. Những “cảm tình viên” của phong trào Nằm dài

Tuy nhiên, xin đừng nghĩ rằng có một phong trào Nằm dài thống nhất. Khi người đầu tiên tự gọi mình là Nằm dài xuất hiện, anh ta chẳng thể nào tưởng tượng ra rằng mình sẽ tạo nên một cơn sóng lớn đến như vậy.

Phong trào Nằm dài được ủng hộ nồng nhiệt đến mức có những kẻ bị đe dọa bởi chúng cũng làm ra vẻ ủng hộ nó. Chúng đâu có thể là đồng chí của chúng ta? Những kẻ đầu tiên lên tiếng đó thì cũng chỉ đang nói thứ tiếng bụng, để được bò và quỳ trong tuyệt vọng. Liệu còn cách nào khác để đối phó với những “cảm tình viên” này hay không, ngoài việc ném phân vào mặt chúng?

Những kẻ đầu tiên xuất hiện đó chính là những bọn ngậm thìa vàng đầy cao quý kia (tangyingist; Chú thích: Việc chọn từ này khá là hay, vì nó có phiên âm gần với tangpingist. Nếu như tangping là nằm dài để phản kháng, thì tangying là để chỉ những kẻ có điều kiện, chỉ nằm cũng có ăn). Đám quý tộc cứ nhảy đi nhảy lại giữa những biệt phủ và BMW cho rằng Nằm dài thể hiện ưu điểm tuyệt đối của trật tự chúng tuân theo. Nhưng, trong cái trật tự đó, thì còn ai khác nằm dài trước chúng? Chỉ riêng điều đó thôi đã giúp cho lời nói của chúng có trọng lượng của nó. Rút ra kết luận từ chính đời sống của bản thân, chúng cho rằng Nằm dài là một dạng chủ nghĩa khoái lạc dựa vào việc dư thừa vật chất. Đất nước càng giàu, thì những kẻ lãng du vẩn vơ lại càng có cơ sở hỗ trợ. Vì thế, “Nằm dài ở một cái đất nước như này về căn bản là một dạng ngậm thìa vàng”. Đúng ra, chúng ta phải lộn ngược câu này lên: “Nếu như không có những kẻ ngậm thìa vàng, thì tại sao người ta lại phải Nằm dài (Nằm để đòi Công bằng)?”

Lại còn có một lớp những kẻ Nằm-nhưng-vẫn-có-ăn (Tangyingist) khác còn gian xảo hơn nhiều. Với sự giúp đỡ của thứ diễn ngôn “Tự do khi Nằm dài”, chúng đã thành công trong việc đóng gói lại thứ diễn ngôn đại chúng vào những khẩu hiệu quảng cáo, bán những món đồ “làm giàu”, “quản lý tài chính”. Còn gì bắt mắt hấp dẫn hơn việc tìm kiếm một thứ gì đó mà chẳng phải làm gì (“kiếm tiền khi đang nằm”) trong thời buổi làm việc quá sức này? Tuy nhiên, phong trào Nằm dài sẽ khiến cho những kẻ đó phải thất vọng. Trong quá khứ, khi những người Nằm dài chúng ta chỉ đơn thuần hoàn thành những công việc được trật tự hiện hành giao cho, họ luôn có cảm giác rằng có một món nợ vẫn mãi đè nặng lên họ, vẫn đang đợi họ trong khoảng không của tương lai, cứ như thể họ chỉ sống để làm công việc duy nhất, đó là trả lại món nợ ấy, cứ như bản thân việc sống đã đẻ ra món nợ đó – nhưng chúng ta nợ ai? Chỉ khi chúng ta tiến đến con đường Nằm dài triệt để, chống lại sự trấn lột và ăn cắp có hệ thống này thì chúng ta mới thấy được lối thoát. Và đó chính là tự do mà chúng ta, những người Nằm dài kiếm tìm.

Theo sát phía sau đó chính là những người Nằm dài ôn hòa. Họ theo sát ngay phía sau, cứ như thể đang sợ bỏ lỡ một điều gì đó. Họ nói rằng, cho đến hiện tại, làm gì có ai không thể nhận ra những sự đổi thay của thế giới này cơ chứ? Nhưng mà, là những con người vô danh và tầm thường, thì liệu họ có thể có chút sự ảnh hưởng nào chăng? Và vì thế, đối với họ, bản chất của phong trào Nằm dài không phải là Nằm dài, mà là việc không tham lam làm những việc quá tầm quá sức mình. – Chừng nào xã hội thống trị vẫn còn, thì làm sao có thể tranh đấu gì được? – Thế nên, họ kêu gọi một dạng phong trào Nằm dài “quay về miền quê”. Và chúng ta cũng hiểu rằng, khi họ phải đối mặt với sự kết tội của những nhà cầm quyền, thì những người “triệt để cấp tiến” đang nằm cạnh họ còn khiến họ run sợ hơn cả những lời kết tội kia. Lúc này, những gì họ thốt ra được chỉ vỏn vẹn trong mấy từ, “Thưa ngài, con chỉ xin đúng một thứ duy nhất, mong ngài có thể cho con có quyền được nằm một lát và dậy đúng lúc…” Vậy thì, làm sao ta có thể phân biệt nổi cái thể loại Nằm dài tầm thường và hèn nhát này (Nằm để Yên thân) với triết lý của xã hội thống trị này?

Tiếp đến là những “giáo sư” kinh tế biện minh cho sự “lý tính” của phong trào Nằm dài. Không giống như đám học giả chỉ trích phong trào Nằm dài là một thảm họa cho nước nhà, cho dân tộc, thì những nhà kinh tế này lại tương đối lạc quan. Họ nói rằng, đất nước mạnh giàu thế nào được nếu như người trẻ không chọn Nằm dài? Để đối mặt với tình trạng thoái hóa (Thoái hóa – involution, là một thuật ngữ được nghĩ ra bởi Clifford Geertz nhằm mô tả một nền kinh tế nơi mà dù lực lượng lao động có tăng nhưng không cho được sản lượng tăng tương xứng. Nó được dùng để mô tả cuộc sống hiện đại của Trung Quốc), chẳng có biện pháp nào tốt hơn Nằm dài. Đây là giải pháp tự nhiên nhất – đây chẳng phải là lý thuyết của chính những người Nằm dài sao? Nhưng lý do được đưa ra ở đây lại khác hoàn toàn: khi nhiều người tự nguyện rút khỏi thị trường cạnh tranh và chọn Nằm dài, khi đó lực lượng lao động sẽ giảm, và điều đó sẽ giúp những người công nhân còn lại có khả năng đàm phán mạnh hơn, và sẽ tăng lương trung bình. Một giả thiết được đặt ra ở đây rằng nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thoái hóa chính là sự dư thừa nguồn cung lao động. Mặc dù Nằm dài sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ trong thời gian gần, nhưng về lâu dài, những nhà kinh tế tin rằng sự cân bằng trên thị trường sẽ xuất hiện.

Nhưng vấn đề của phân tích này là, họ chỉ coi Nằm dài là kết quả “tất nhiên” của cạnh tranh thị trường, trong khi hiện tượng thoái hóa là hệ quả của việc dân số tăng quá nhanh, thay vì do tính chất (mang tính ý thức hệ) cạnh tranh của quốc gia này – và đây cũng chỉ là một sự diễn dịch hiện đại của lý thuyết dân số Malthusian. May thay, thị trường sẽ lại giải quyết hết tất thảy cho chúng ta! Thứ học thuyết Nằm dài của những kẻ đó (Nằm dài để Cân bằng) chỉ là một yếu tố động trong sự tự điều tiết của trật tự thống trị. Vì thế, làm gì có ai cống hiến nhiều cho cái xã hội này hơn những người Nằm dài?

Thực tế, họ hiểu rất rõ tình cảnh của những người tự nguyện rời khỏi trật tự này. Những người Nằm dài tự phát (không có định hướng ý tưởng) thường được xem là tầng lớp thấp kém nhất trong những cuộc thanh tra thường xuyên của thị trường lao động. Những nền kinh tế chính của thế giới tư bản hiện này đang tích tụ một hệ thống kinh tế phi chính thức không ngừng tăng lên. Nếu như những người Nằm dài cống hiến nhiều nhất, đó là do họ là những người đã phải hy sinh thân mình, những sự hy sinh cần thiết để duy trì sự tồn vong của chế độ. Rồi đây, những kẻ quỳ lạy nhu nhược mà chúng ta nhắc trên đây sẽ nhảy cẫng lên vui sướng. Bởi vì, do những người Nằm dài “triệt để”, không nghi ngờ gì nữa, chính là những vị thánh, vậy nên tất nhiên sẽ có lợi hơn cả khi cứ việc quỳ xuống và chờ đợi. Nhưng có một sự thật đau đớn phũ phàng ở đây mà những “giáo sư” kinh tế này chẳng nói cho chúng ta: với việc thiếu vắng đi một nền lao động dân chủ, phong trào Nằm dài, được nắm bắt bởi thành phần kinh tế phi chính thức, không những sẽ không giúp tăng lương công nhân lên, mà còn có thể dẫn đến việc tăng giờ làm.

Nhóm cuối cùng xuất hiện, mặc dù trễ, đó chính là những nhà kĩ nghệ rao giảng về cuộc khủng hoảng tự động hóa. Không giống như hầu hết những người khác vốn quan tâm đến vấn đề thoái hóa, họ cho rằng sự phổ biến của công nghệ tự động hóa sẽ nhanh chóng thay thế lao động con người. Sẽ là quá muộn để đối phó một làn sóng thất nghiệp khủng khiếp nếu việc đó xảy ra. Vì thế, Nằm dài chính là cuộc diễn tập cho khủng hoảng sẽ xảy đến khi áp dụng tự động hóa quy mô lớn. Một khi khủng hoảng xảy ra, xã hội sẽ phải đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của những người Nằm dài vô điều kiện. Nếu như Nằm dài là sự xóa bỏ lao động, thì chủ nghĩa tăng tốc sẽ đem lại món quà ấy cho họ. Nhưng hiện tại, việc Nằm dài đi trước thời đại quá xa, không khả thi. Như đám Đảng viên hay nói, một ý thức hệ xã hội sẽ chỉ khả thi với nền tảng kinh tế của nó (ở đây ta nhấn mạnh đến kĩ thuật là lực lượng sản xuất chủ yếu). Vậy thì có gì phải lo lắng bởi một ý thức hệ sẽ bị bóp nghẹt bởi thực tế tàn khốc? Điều đó có nghĩa là, đối với những người Nằm dài, “vào mỗi buổi bình minh, thời gian sẽ liên tục gọi họ dậy liên tục và liên tục.”

Nhưng những luận điểm đó lại bỏ quên sự thật cơ bản rằng, phong trào Nằm dài từ lúc ban đầu là sự phản ứng với chủ nghĩa tăng tốc. Những nhà tăng tốc chẳng thể nào giải thích được tại sao sau vài thập kỉ phát triển khoa học kĩ thuật, thời gian lao động lại không giảm đi. Những người Nằm dài không tin vào sự cứu thế của công nghệ, cũng không tin vào một khả năng có thể tạo dựng nên một thực tại thay thế trong hệ thống kĩ thuật thống trị hiện tồn. Thay vào đó, thứ chúng ta muốn tuyên bố trên thực tế chính là: nếu như xóa bỏ lao động, thì nó cần phải bị xóa bỏ ngay tức khắc, toàn bộ, hoặc là chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể xóa bỏ nó nữa.

IV. Nan đề của phong trào Nằm dài

Khi chống lại những thể loại “cảm tình viên” kia, những người Nằm dài cũng phải đối mặt với chính nan đề của bản thân mình.

Trên thực tế, chừng nào những người Nằm dài vẫn còn tuân theo một hướng tiếp cận thuần cá nhân với thực tiễn, thì họ vẫn sẽ mãi bị xoáy vào vòng luẩn quẩn của khổ hạnh và áp bức. Tất nhiên, việc giảm tối thiểu những dục vọng của mình thông qua việc tiết giảm cũng sẽ giúp chúng ta dần xóa bỏ áp bức. Nhưng, có một sự thật mà những nhà kinh tế học cố che đậy, đó là một thủ pháp cai trị không hề mới, chính là việc xoay lượng “thặng dư” dân số giữa việc thất nghiệp, không có lương với việc có những công việc “vặt” không có chút quyền lợi, không có chút đảm bảo nào – hãy để ý rằng những khái niệm, cụm từ này xuất phát với nền tảng là logic vận hành của nền sản xuất. Những người đào tẩu đến với miền đất Nằm dài hoặc là sẽ tiếp tục tái sản xuất ra điều kiện áp bức đó, hoặc họ sẽ tiếp tục chấp nhận nó, hoặc là cả hai. Từ thời của Marx, đây đã là một phương cách chủ yếu để cản trở sự tăng lương cho người lao động (đội quân công nghiệp dự bị)

Khía cạnh đáng buồn nhất của phong trào Nằm dài nhỏ lẻ đó chính là không có một con đường nào để có thể thực hành thực tiễn diện rộng, và nó sẽ chết mòn trong sự bế tắc. Càng hiểu nó, ta càng ít cần đến nó – ta bị buộc phải làm như vậy, ta bị khai trừ khỏi trật tự hiện tại, và chẳng có gì để mất. Ta càng cần nó, thì ta càng khước từ ý nghĩa thực sự của nó – đối với những người như vậy, lúc nào cũng có quá nhiều trật tự, quá nhiều thứ để buông bỏ. Cứ thử nghĩ đến những người bị mắc kẹt trong logic của gia đình và hôn nhân, những người có con, những người tìm kiếm ý nghĩa đời mình trong những buổi phỏng vấn xin việc và GPA, những người đang trả nợ ngân hàng… Nếu như người Nằm dài đã gây thù chuốc oán nhiều đến thế, thì làm sao ta có thể mong đợi trật tự hiện tại buông tha cho chúng ta được?

Vậy thì, bạn nên nghĩ thế nào về một phong trào Nằm dài ẩn dật? Khi những người Nằm dài lần đầu tiên thu hút sự chú ý của truyền thông, họ được khắc họa là những người kiệt sức, cạn kiệt năng lượng xã hội với một công việc phi nhân, vì thế họ tự nhốt mình trong một căn phòng trọ rẻ tiền và không làm phiền đến thế giới bên ngoài. Họ dương như không nhận ra rằng thứ nhót họ lại trong căn phòng chưa đến vài mét vuông tự nó lại là một phần của hệ thống trật tự họ cố gắng khước từ. Nhưng liệu ta có thể làm gì hơn? Chẳng phải họ đã tuân theo lý tưởng Nằm dài cấp tiến hết sức có thể rồi hay sao?

Hãy quay trở lại với Diogenes một chút. Khi Diogenes nằm trong cái thùng và nhìn ra thế giới bên ngoài, ông không hề bị cô lập. Ông chẳng hề ngần ngại truyền bá tư tưởng của mình với những người qua đường, và ông đặt chiếc thùng gỗ của mình ở những con đường sầm uất nhất giữa trung tâm Hy Lạp thời đó. Dẫu nghèo, ông vẫn tràn đầy sức sống: ông thắp đèn soi rọi hết từng mặt người trên đường giữa ban ngày để tìm kiếm con người chân chính, giẫm lên thảm vải mới ở nhà Plato, tự hào rằng mình đang đạp lên niềm kiêu hãnh của một kẻ “lý tưởng”, đi ngược dòng người đông đúc đang rời khỏi nhà hát, nói rằng “Đây chính là việc tôi đã và đang làm suốt đời mình.” Khi chiếc thùng ấy bị giẫm nát bởi móng ngựa sắt, mọi người lại đóng một cái mới cho ông.

Ít người nhận ra rằng trật tự ta sống ngày này toàn hiện và khó phá hủy hơn nhiều so với thời kì thành bang và chế độ chiếm hữu nô lệ. Và chúng ta mong đợi ai sẽ cứu mình ra khỏi chiếc thùng đã nát này? Nếu như chúng ta khước từ cái trật tự cầm tù hầu hết mọi người, nhưng lại chừa lại thứ trật tự đã phân cách và chia rẽ chúng ta, thứ trật tự ngăn cản sự bác ái chân chính giữa người với người , thì rốt cuộc, ta đã khước từ thứ gì?

V. Đồng minh của những người Nằm dài chúng ta

Thế giới ngày nay đầy rẫy chông gai. Để có thể cứu lấy phong trào Nằm dài khỏi những xiềng xích trói buộc nó, để có thể hiện thực hóa sự phủ định trật tự hiện tại, ta cần phải có một thứ gì khác ngoài hướng tiếp cận cá nhân.

Trên thực tế, ý niệm tổng quát của một phong trào Nằm dài đại chúng là một phong trào cấp tiến triệt để về bản chất. Nằm dài không có nghĩa là phá tan một vài mắt xích xã hội, mà là toàn bộ các mắt xích xã hội. Phong trào Nằm dài không chỉ diễn ra trong sự phá hủy một tầng lớp xã hội hoặc một cộng đồng bản dạng nào đó, mà trong toàn thể giai cấp cần lao. Nó có xu hướng liên kết việc từ chối đi làm, từ chối đi học, từ chối có con, từ chối có gia đình, vì thế nó cũng có xu hướng tự nhiên kết nối cả một thế hệ người bị áp bức nhất dưới trật tự hiện tồn. Nó cố gắng bắt liên lạc với tất cả những người không chịu phục tùng, không chịu quản chế, dù là phụ nữ hay đàn ông, là công nhân hay thất nghiệp, là người dân thành phố, nông thôn hay du mục, những người du đảng lưu lạc, sinh viên, học sinh và trí thức, người dị giới, đồng giới hay những người thuộc bản dạng giới khác nhau, những người lang thang và người hưu trí… Vậy còn ý tưởng nào khác cũng giúp ta có thể âm thầm xây dựng những sự kết đoàn ái hữu, dọn đường cho một cuộc tổng bãi công diện rộng?

Những đồng minh ta tìm đến đó là:

  1. Phụ nữ và những người có bản dạng giới khác: Chúng ta khước từ hôn nhân, gia đình, những thứ quan hệ hôn nhân và tình dục áp bức, phân biệt đối xử, bất công với họ. Chúng ta từ chối duy trì chế độ phụ quyền.

  2. Công nhân (dù là toàn thời gian, phi chính thức hay thất nghiệp): Chúng ta phản đối lao động cưỡng bức tạo ra bóc lột và tha hóa. Chúng ta từ chối tạo ra nguồn lợi lao động, tích lũy tư bản cho bè lũ quan liêu và tư bản

  3. Nông dân và du mục: Chúng ta từ chối bị đồng hóa vào trong một trật tự hiện đại bị áp đặt. Chúng ta phản đối sự cướp bóc kinh tế và hủy diệt văn hóa. Chúng ta phản đối phá hủy môi trường. Chúng ta phản đối những cuộc di dân cưỡng bức.

  4. Sinh viên, học sinh và trí thức: Chúng ta phản đối sự tái sản xuất trí thức và văn hóa của những ý thức hệ thống trị. Chúng ta phản đối sự độc quyền tri thức.

  5. Người trẻ, dân thành phố, người vô gia cư và người thất nghiệp: Chúng ta phản đối giá thuê nhà cắt cổ, phản đối giá nhà ở giết người. Chúng ta từ chối trả những khoản vay mua nhà và trả lợi tức.

  6. Người già: Chúng ta phản đối việc hoãn nghỉ hưu. Chúng ta phản đối chi phí y tế đắt đỏ và chi phí dưỡng lão. Chúng ta từ chối việc bị bỏ rơi, bị vứt xó.

  7. Những nhà hoạt động và những nhà lý thuyết cổ vũ sự thay đổi triệt để thay vì trật tự cố hữu. Ví dụ đó là những người Marxist, vô trị, vị nữ, vị sinh thái, công liên,…

VI. Những cộng đồng tự quản thay thế

Phong trào Nằm dài cấp tiến được thể hiện không chỉ với việc liên lạc với đa dạng những đồng minh, mà còn nằm trong những mối quan hệ tương trợ cộng đồng và kết nối với những cộng động tự quản thay thế đang tồn tại. Nếu không nhờ những nỗ lực của những người tiên phong ấy, những người Nằm dài sẽ không có cơ sở nào để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Một người Nằm dài là một không gian tự trị nhỏ nhất, cơ thể của họ là một địa điểm ngoài tầm kiểm soát của bất kì thế lực nào, tự do trôi dạt. Dù ở đâu, lúc nào, ra sao, dù là làm việc, giải trí, học hành, ăn uống, ma chay, cưới xin, những người Nằm dài đều thực hiện phong tục riêng của mình, Nằm dài. Dù cho phải đối mặt với bất kì ai, thực thể nào, dù có là lãnh đạo, là ông chủ, là tướng lĩnh quân đội, dù là tiền tài, huân chương, cờ xí, những người Nằm dài chỉ trung thành với bản dạng của chính mình, đó là Nằm dài.

Những người Nằm dài sáng tạo ra lễ hội riêng cho mình. Trong những lễ hội đó, họ không ăn mừng chiến thắng hay là gặt hái gì cả. Họ nằm lên những con đường cao tốc đông người đi qua, nằm ở xí nghiệp với tiếng máy chạy, toàn thân rã rời. Họ chẳng tiêu pha cũng chẳng tiêu thụ gì cả. Họ nằm xuống nơi trung tâm thương mại, giờ đây giống hệt như những nhà thờ thời hiện đại, nằm ở những cung điện nguy nga tráng lệ, những tòa nhà nhà nước hay những khu phức hợp choáng ngợp. Trong những cuộc vui như vậy, họ không chỉ giúp chính mình trở nên thoải mái mà còn là cho những người khác trở nên thoải mái. Họ không dựng lên những nơi trú ngụ cho chính họ, mà cho tất cả những ai bị áp bức.

Cho tất cả những ai thực hành nguyên tắc tự quản thay thế bằng những phương thức khác, dù họ đang phải tranh đấu trong cơn kiềm tỏa của trật tự và sức ép khủng khiếp, dù phải rút lên vùng núi cao hay nơi rừng thẳm chẳng ai biết đến, dù họ phải lui về nơi chân trời góc bể, hay bị mắc kẹt trong những đô thị ồn ào và những quảng trường nhộn nhịp, những người Nằm dài vẫn cố tìm niềm cảm hứng và kinh nghiệm thông qua những nỗ lực của mình. Chúng tôi hết sức cảm kích và biết ơn những người tiên phong đi trước: những người vô trị và Marxist lập nên công xã Paris, những công nhân chiếm lấy nhà máy ở Nội chiên Tây Ban Nha, những nô lệ bỏ trốn đã lập nên những cộng đồng người tự do trong đầm lầy Great Dismal Swamp ở Hoa Kì, những người vô gia cư, nghệ sĩ, sinh viên và người có bản dạng giới khác chiếm lấy những ngôi nhà ở Berlin, những khu tự trị ở Zapata vùng Chiapas, Mexico, những người phụ nữ đấu tranh chống lại chế độ phụ quyền và lập nên những hợp tác xã tự trị ở khu vực người Kurd, Syria…

Thông qua tương trợ và tự quyết, người Nằm dài sẽ lập nên những cộng đồng riêng cho mình. Chúng ta sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế cho thứ trật tự tàn nhẫn dựa trên việc sản xuất cưỡng bức và bành trướng. Chúng ta tìm kiếm việc Nằm dài ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chúng ta sẽ xây những nơi trú ngụ ở vùng đất bị bỏ hoang. Chúng ta muốn hệ thống cơ sở hạ tầng, hoạch định không gian và thiết kế đô thị cho việc vui chơi và mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta sẽ theo đuổi một nền kinh tế quà tặng, cho nhận và giải phóng khỏi áp bức. Chúng ta sẽ theo đuổi một nền dân trị tập thể với hình thức dân chủ trực tiếp và bình đẳng giới. Chúng ta sẽ bảo vệ nền công hữu. Chúng ta sẽ đòi lại những gì chúng ta đã bị cướp đoạt trong quá khứ từ những tên đầu cơ cho thuê. Chúng ta sẽ lập nên một quỹ khẩn cấp cộng đồng. Chúng ta sẽ theo đuổi khát vọng và ước mơ của mình với ít sức lực nhất có thể. Chúng ta sẽ tìm kiếm những công nghệ có thể thúc đẩy Nằm dài hơn nữa thay vì áp bức, và vì thế sẽ ngày càng rút ngắn lao động. Chúng ta theo đuổi sự chăm sóc và nuôi dưỡng từ cộng đồng. Chúng ta sẽ xóa bỏ biên giới và sẽ tự do di chuyển giữa các khu tự trị. Cụ thể, chúng ta sẽ hướng sự chú ý đến những người khó khăn cơ nhỡ, chăm sóc những người phải chịu nỗi đau thể xác và tinh thần, tiền bạc cho những ai cùng khổ, chăm lo cho những người bị hạn chế di chuyển và năng lực, không gian cho những người phải hứng chịu bất công, phân biệt đối xử, sự kì thị….

Và những người vì những lý do nào đó chưa thể gia nhập với chúng ta lúc này, chúng ta cũng cần phải nghĩ về họ….

Bây giờ là lúc ta ngừng việc cấu xé chà đạp lẫn nhau để giành lấy chút miếng ăn trong những cơn khan hiếm giả tạo. Một triết lý phản kháng sẽ đem lại sức sống mới cho những hành động thực tiễn của chúng ta. Khi tiếng gọi của lịch sử vang lên, những người Nằm dài sẽ bắt đầu nghĩ ra và tiến hành những nhiệm vụ của thời đại. Nhưng trước đó, ta phải dựng lên phòng tuyến đầu tiên.

Hỡi những người Nằm dài trên Trái đất này, kết đoàn lại!