Chuck Morse, Sam Mbah
Chủ nghĩa Vô trị châu Phi
Phỏng vấn Sam Mbah
“Chủ nghĩa Vô trị châu Phi: Lịch sử của một phong trào” (Xem Sharp Press, 1997) của Sam Mbah và I.E. Igariwey là cuốn sách đầu tiên bàn về châu Phi và chủ nghĩa vô trị. Các tác giả cho rằng chủ nghĩa vô trị đề ra một khuôn khổ nhất quán giúp ta hiểu và ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng đang hoành hành ở lục địa đen. Tôi đã gặp Sam Mbah vào ngày 4 tháng 11 năm 1998, khi anh vừa bắt đầu chuyến lưu diễn Bắc Mỹ của mình.
Anh cho rằng “xu hướng tổng thể trong sự phát triển của xã hội loài người là hướng tới bình đẳng xã hội và tự do cá nhân to lớn hơn.” Vậy anh có chung niềm tin với Marx rằng chủ nghĩa tư bản là một bước phát triển tiến bộ trong lịch sử thế giới, và là điều kiện tiên quyết cho các hình thức xã hội tiên tiến hơn không?
Lập trường của Marx không hoàn toàn chính xác. Chủ nghĩa tư bản là một bước phát triển tiến bộ trong thời đại của bản thân nó: nó tạo cơ sở cho việc cực đoan hóa giai cấp công nhân — một điều không thể xảy ra dưới chế độ phong kiến và chắc chắn là một bước tiến tích cực. Dựa trên cơ sở đó, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và hệ thống nhà nước mới được gia tốc. Tuy nhiên, tôi không cho rằng mọi quốc gia, mọi xã hội đều phải trải qua quá trình này, hay chủ nghĩa tư bản là điều kiện không thể thiếu cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại.
Tôi cũng không cho rằng lịch sử loài người có thể được tiên đoán hoặc bị ràng buộc bởi các trình tự do các sử gia, tác gia đề xướng. Trong một xã hội nhất định, tôi tin rằng năng lực của những người bình thường lớn đến mức nó gần như có thể thúc đẩy họ tự tay nắm lấy vận mệnh bất cứ lúc nào. Không nhất thiết phải đợi đến khi sự phát triển chủ nghĩa tư bản đã bén rễ, hoặc giai cấp công nhân đã hình thành. Chẳng hạn, giai cấp nông dân cũng hoàn toàn có thể tự tay nắm lấy vận mệnh, nếu ý thức của họ được nâng cao đến một mức độ nhất định. Tôi không tin vào sự phân chia lịch sử thành các giai đoạn: tôi tin vào khả năng tự đấu tranh, tự giải phóng bản thân vào bất cứ thời điểm nào của những con người bình thường.
Cuốn sách của anh được viết trên nền tảng chủ nghĩa công đoàn vô trị, một truyền thống chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử châu Âu. Vậy, kinh nghiệm của người Châu Phi có thể tạo ra những đóng góp đặc trưng nào đối với chủ nghĩa vô trị nói chung?
Chúng tôi đã cố gắng bàn về điều này trong cuốn sách của mình. Mặc dù chủ nghĩa vô trị không thể hoàn thiện nếu không có sự đóng góp từ Tây Âu, chúng tôi tin rằng nhiều yếu tố của các xã hội châu Phi truyền thống có khả năng góp phần xây dựng các ý tưởng vô trị.
Một trong số đó là truyền thống tự lực, tương trợ hoặc hợp tác rất phổ biến trong xã hội châu Phi. Xã hội này được cấu trúc để giảm thiểu chủ nghĩa cá nhân, còn cách tiếp cận tập thể thì luôn được vận dụng nhằm giải quyết các vấn đề trong đời sống: ở bản chất của nó, tôi nghĩ đó chính là những gì chủ nghĩa vô trị muốn truyền bá.
Có một số điều chúng ta nên học hỏi từ các xã hội châu Phi truyền thống. Ví dụ, quyền lãnh đạo được tổ chức một cách ngang hàng và phân quyền, chứ không theo quan hệ trên dưới – đặc biệt là trong các xã hội mà chế độ phong kiến (và theo đó là các vương quốc) không phát triển. Hầu hết các cá nhân trong một cộng đồng hay một ngôi làng đều tham gia vào việc ra quyết định và có tiếng nói trong mọi sự vụ liên quan đến bản thân. Ngay cả các bô lão cũng thường không tuyên chiến với các ngôi làng phụ cận trừ khi được sự nhất trí từ tất cả mọi người. Sự nhất trí đó quả thực là lực lượng gắn kết xã hội châu Phi. Ngoài ra, hệ thống gia đình cởi mở (cháu anh có thể đến sống cùng với vợ chồng anh) cũng là một đề xuất của chúng tôi cho chủ nghĩa vô trị. Tóm lại, đó là những ý tưởng châu Phi mà tôi cho rằng có thể hoà trộn được với chủ nghĩa vô trị. Những ý tưởng này đều bền sâu, có thể nói bền sâu như bản chất con người ở châu Phi vậy.
Việc không có khả năng kết hợp chặt chẽ sự phê phán nhà nước, phê phán chủ nghĩa tư bản với sự phê phán nạn phân biệt chủng tộc đã gây ra thiệt hại to lớn cho chủ nghĩa vô trị. Theo anh, phân tích về phân biệt chủng tộc và uy quyền thượng đẳng của người da trắng cần phải bổ sung cho phân tích giai cấp như thế nào?
Hệ thống tư bản mà chúng ta kế thừa phát triển mạnh mẽ nhờ việc bóc lột người lao động và các giai cấp bị trị khác, cũng như lợi dụng sự khác biệt về chủng tộc. Nó đã vạch ra một sự chia cắt chủng tộc vĩnh viễn trong giai cấp lao động, nơi một nhóm người lao động có đặc quyền còn một nhóm khác lại không được hưởng các đặc quyền ấy. Ở đây có sự bóc lột kép: sự bóc lột giai cấp lao động nói chung và sự bóc lột còn thậm tệ hơn giai cấp lao động da màu. Chủ nghĩa Marx đã không giải quyết vấn đề này một cách thích đáng, bởi lẽ nó đặt giả định về sự thống nhất lợi ích của các giai cấp lao động mà không đề cập tới các hình thức áp bức bóc lột cụ thể mà người lao động phải đối mặt.
Phân biệt chủng tộc là một yếu tố then chốt trong thế giới này. Bất kỳ phân tích nào về giai cấp lao động mà lại tìm cách phủ nhận điều ấy đều thoát ly thực tế. Nạn phân biệt chủng tộc đơn giản là căn bệnh đặc hữu của chủ nghĩa tư bản.
Người lao động phải hiểu rõ điều này, và lấy nó làm cơ sở cho sự đoàn kết trong hàng ngũ của mình rồi tiếp tục tiến bước. Các nhà hoạt động vô trị và các phong trào xã hội cần công nhận thực tế này để có thể gắn kết người da đen và người da trắng trong cuộc đối mặt với kẻ thù chung, đó là chủ nghĩa tư bản và các quan hệ xã hội nảy sinh từ nó.