Title: Đường Lối Chủ Nghĩa Vô Trị
Topic: introductory
Language: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
Date: 1920
Source: Retrieved on 2021-01-10 from https://theanarchistlibrary.org/library/errico-malatesta-an-anarchist-programme
Notes: Translated by N.T.Yvonne.
e-m-errico-malatesta-ang-programang-anarkista-1.jpg

1. Mục tiêu và các bước hành động

Chúng ta tin rằng: mọi tệ nạn gây phương hại cho nhân loại đều bắt nguồn từ việc tổ chức xã hội yếu kém; Con Người — nếu mong muốn và biết cách — hoàn toàn có thể phá bỏ tổ chức xã hội này.

Xã hội ngày nay là kết quả của nhiều cuộc đấu tranh lâu dài giữa người với người. Do không nhìn thấy những lợi ích chung có thể thu được bằng việc hợp tác và đoàn kết, người ta coi đồng loại (trừ những người có quan hệ huyết thống gần gũi nhất) như đối thủ và kẻ thù; ai cũng tranh giành phần nhất cho bản thân mà không đoái hoài gì đến lợi ích của kẻ khác.

Trong một cuộc đấu tranh như thế, rõ ràng những kẻ may mắn và mạnh mẽ nhất đã cầm chắc chiến thắng trong tay; chúng sẽ áp bức những người còn lại, không cách này thì cách khác.

Khi con người còn chưa sản xuất được nhiều hơn mức tối thiểu để duy trì sự sống, những kẻ chinh phục đã đuổi cùng giết tận nạn nhân của chúng hòng chiếm lấy lương thực mà họ tích trữ được.

Rồi con người khám phá ra hoạt động nông nghiệp và chăn thả gia súc, nhờ đó sản xuất được nhiều lương thực hơn mức sống tối thiểu. Những kẻ chinh phục nhận ra: biến những người bị chinh phục thành nô lệ và bắt họ phục dịch cho chúng đem lại gấp bội lợi nhuận.

Sau đó, những kẻ chinh phục nảy ra một cách bóc lột thuận tiện hơn: chúng độc chiếm đất đai và công cụ lao động, rồi thả tự do cho những người không có tài sản hay phương tiện sống trong tay, buộc họ phải làm việc cho và theo điều kiện của chủ đất.

Cứ như vậy, từng bước qua một chuỗi phức tạp những đấu tranh muôn hình muôn dạng từ các cuộc xâm lược, từ các cuộc chiến tranh, nổi dậy, đàn áp, của những nhượng bộ giành được nhờ tranh đấu, của liên minh giữa những người bị áp bức để tự vệ và giữa những kẻ áp bức để tấn công, xã hội chúng ta trở nên như ngày hôm nay: một vài kẻ thừa kế hết đất đai cùng của cải, trong khi phần đông dân chúng bị số ít giàu có tước đoạt mọi thứ, bị bóc lột, áp bức trên mọi phương diện.

Nỗi khổ của hầu hết người lao động ngày hôm nay nảy sinh từ đó, dẫn tới đủ thứ tệ nạn như dân trí thấp, tội phạm, mại dâm, bệnh tật do suy dinh dưỡng, suy nhược tinh thần, tuổi thọ thấp. Những thứ này đẻ ra một giai cấp mới (chính phủ); giai cấp này được trang bị đủ mọi loại phương tiện đàn áp, nó tồn tại để hợp pháp hóa và bảo vệ giai cấp chiếm hữu khỏi những đòi hỏi của người lao động; chính phủ còn tự do dùng quyền lực của mình để tạo ra những đặc quyền cho bản thân, thậm chí quản lý cả chính giai cấp chiếm hữu khi có cơ hội. Từ đây lại sinh ra một giai cấp khác (tăng lữ); giai cấp này vin vào một loạt những bịa đặt về ý muốn của Đức Chúa Trời và kiếp sau v.v. để thuyết phục người dân ngoan ngoãn chịu áp bức, và (y như chính phủ) chúng cũng phục vụ cho giai cấp chiếm hữu và chính bản thân mình. Từ đây lại tạo ra một môn khoa học thuộc về nhà nước — mà để phục vụ giai cấp chiếm hữu một cách toàn diện — phủ định cả khoa học chân chính.

Chúng ta muốn thay đổi tận gốc tình trạng này. Và, vì tất cả những tệ nạn này đều có nguồn gốc từ đấu tranh giữa người với người hòng mưu cầu cá nhân bằng cách chà đạp lên kẻ khác, chúng ta cần hàn gắn, cần thay hận thù bằng tình thương, thay cạnh tranh bằng đoàn kết, thay mưu cầu cá nhân bằng tình hữu nghị hợp tác anh em cho hạnh phúc của tất cả mọi người, thay áp bức, áp đặt bằng tự do, thay sự dối trá của tôn giáo và giả khoa học bằng chân lý.

Vậy nên, lý tưởng của chúng ta là:

  1. Bãi bỏ tư hữu đất đai, tư hữu nguyên liệu thô và công cụ lao động để không ai có thể kiếm sống bằng việc bóc lột lao động của người khác; mọi người — được đảm bảo phương tiện sản xuất cũng như sinh sống — sẽ thực sự độc lập và có thể tự do giao kết với nhau theo ý thích cá nhân cho những mục tiêu chung.

  2. Bãi bỏ chính phủ cũng như quyền lập pháp, hành pháp: qua đó bãi bỏ chế độ quân chủ, cộng hòa, quốc hội, lực lượng cảnh sát, cơ quan pháp quyền và bất kỳ thể chế nào có quyền lực cưỡng chế.

  3. Tổ chức xã hội thông qua giao kết tự do và các liên đoàn giữa người sản xuất và người tiêu thụ — được tạo ra và thay đổi theo mong muốn của các thành viên, được dẫn dắt bởi khoa học và kinh nghiệm, không chịu bất kỳ sự áp đặt nào không sinh ra từ những nhu cầu tất yếu mà tất cả mọi người tự nguyện tuân thủ khi thực sự cần thiết.

  4. Trẻ em cũng như tất cả những người không thể tự chăm lo cho bản thân sẽ được đảm bảo phương tiện sống để có thể phát triển hạnh phúc.

  5. Đấu tranh với tôn giáo và mọi điều dối trá, cho dù chúng có ngụy trang bằng cái tên của khoa học.

  6. Đấu tranh chống sự ganh đua và chống định kiến của chủ nghĩa yêu nước. Bãi bỏ biên giới; ủng hộ tình anh em giữa các dân tộc.

  7. Tái thiết cấu trúc gia đình; gia đình xuất phát từ tình yêu và cần được giải phóng khỏi mọi ràng buộc pháp lý, khỏi mọi sự đàn áp về kinh tế, thể chất cũng như thành kiến tôn giáo.

2. Đường lối và phương tiện

Ta vừa vạch ra những lý tưởng đấu tranh một số bước hành động.

Tuy nhiên, chỉ ước ao thôi thì chưa đủ. Nếu muốn, ta phải dùng những phương tiện phù hợp để giành lấy mục tiêu. Những phương tiện này không thể tùy tiện; chúng phải tương thích với kết quả mà ta mong muốn, cũng như với hoàn cảnh đấu tranh. Bởi lẽ nếu dùng phương tiện tùy tiện, ta sẽ thu được những kết quả sai khác — thậm chí hoàn toàn trái ngược với mục tiêu ban đầu. Ấy là kết cục hiển nhiên do cách lựa chọn mục tiêu của chúng ta. Khởi đầu với lý tưởng cao cả mà lại đi sai đường, ta sẽ chạm đích nơi con đường dẫn bước, chứ không bao giờ đến được mục tiêu ban đầu.

Vì thế, cần đề rõ những phương tiện mà ta cho rằng sẽ dẫn ta tới với mục tiêu mong muốn, và đề xuất vận dụng.

Lý tưởng của chúng ta có thành công hay không không dựa vào những cá nhân đơn lẻ. Nan đề là làm cách nào để có thể thay đổi lối sống của toàn xã hội; để thiết lập những mối quan hệ có cơ sở dựa trên tình thương và tình đoàn kết giữa người với người; để giành lấy sự phát triển tuyệt đối về mặt vật chất, tinh thần cũng như tri thức, không phải cho những cá thể đơn lẻ hay những thành viên của một giai cấp hoặc một đảng phái chính trị nào đó, mà cho toàn thể nhân loại. Không thể áp đặt những mục tiêu này bằng vũ lực; chúng phải đi ra từ lương tâm được khai sáng của mỗi chúng ta và phải được giành lấy với sự đồng thuận không cưỡng ép của tất cả mọi người.

Nhiệm vụ đầu tiên của ta là thuyết phục người dân.

Ta cần khiến người dân ý thức được những bất hạnh mà họ đang phải gánh chịu, và cho họ thấy cơ hội để xóa bỏ chúng. Ta cần đánh thức sự đồng cảm của tất cả mọi người dành cho những bất hạnh của đồng loại và khao khát hướng tới cái thiện trong họ.

Với những người đang phải chịu lạnh chịu đói, ta phải chỉ cho họ thấy việc đảm bảo nhu cầu vật chất cho mỗi cá nhân là khả thi và dễ dàng thế nào. Với những người đang bị áp bức, khinh thường, ta phải chỉ cho họ thấy việc sống hạnh phúc trong một thế giới mà người người đều bình đẳng, tự do là điều có thể; với những người bị hận thù, cay đắng tra tấn, ta phải chỉ cho họ con đường dẫn tới hoà bình và tình người — thứ sẽ tới khi ta học cách yêu thương đồng loại.

Khi ta đã khơi dậy thành công trong họ tinh thần phản kháng lại những xấu xa, bất công hoàn toàn có thể tránh được mà chúng ta vẫn phải chịu đựng trong xã hội ngày nay, cũng như chỉ cho họ thấy nguyên cớ đằng sau những điều xấu xa ấy và rằng con người phải tự tay vứt bỏ chúng; khi ta đã tạo ra trong lòng họ một khao khát thay đổi xã hội sao cho thuận với lợi ích của mọi người thì tất cả những người đã bị thuyết phục sẽ tự mình hoặc theo bước những người thuyết phục để đoàn kết lại, cũng như mong muốn và có khả năng hành động cho những lý tưởng chung.

Như đã chỉ ra, thật là lố bịch và mâu thuẫn biết bao nếu ta dùng vũ lực để áp đặt tình cảm giữa người với người, hay áp đặt sự phát triển triệt để của năng lực con người. Do đó, ta phải trông chờ vào ý chí tự do của người dân, và tất cả những gì ta có thể làm là khuyến khích sự phát triển và thể hiện ý chí ấy. Nhưng việc chấp nhận để những người bất đồng quan điểm với ta ngăn chúng ta thể hiện ý chí của mình cũng vô lý và mâu thuẫn không kém, nhất là khi điều đó không tước đi quyền tự do tương tự của họ.

Tự do cho tất cả, vì thế, cũng chính là tự do để họ tuyên truyền và thử nghiệm ý tưởng của mình mà không bị giới hạn bởi bất kỳ thứ gì trừ quyền tự do, bình đẳng của mọi người.


Nhưng điều này bị những kẻ đang thống trị, kiểm soát tất cả đời sống xã hội ngày nay và hưởng lợi từ các đặc quyền đang có đàn áp dã man.

Chúng nắm trong tay tất cả tư liệu sản xuất; do đó, chúng đàn áp không chỉ khả năng tự do thử nghiệm những lối sống công xã mới và quyền tự do sống bằng sức mình của người lao động, chúng còn đàn áp cả bản thân quyền được sống; chúng buộc những người không phải ông chủ phải chịu bóc lột, đàn áp — nếu không muốn chết đói.

Chúng có lực lượng cảnh sát, tư pháp và quân đội, được tạo ra với mục đích rõ ràng là để bảo vệ những đặc quyền của bản thân; chúng khủng bố, bắt bớ và tàn sát những người muốn xóa bỏ những đặc quyền đó, những người đòi phương tiện sống và quyền tự do cho tất cả mọi người.

Giữ khư khư quyền lợi hiện thời cho bản thân, đồi bại vì quen thói thống trị, run sợ trước tương lai, chúng — giai cấp đặc quyền, nói chung không thể hành xử một cách cao thượng; cũng không thể nắm được một khái niệm lợi ích cá nhân rộng hơn. Chỉ ngu ngốc mới tin rằng chúng sẽ tự động từ bỏ tài sản, quyền lực và học cách thích nghi để sống bằng vai phải lứa với những người hôm nay vẫn bị chúng bắt phải phục tùng.

Bỏ qua một bên những bài học lịch sử (thứ đã chứng tỏ rằng chưa bao giờ giai cấp đặc quyền tự từ bỏ tất cả hoặc một số đặc quyền của mình, và chưa bao giờ chính quyền tự từ bỏ quyền lực — trừ khi, đối mặt với đe dọa vũ lực, bị buộc phải làm vậy), thời hiện đại cũng có đủ bằng chứng chứng minh giai cấp tư sản và chính phủ sẽ sử dụng vũ lực để tự vệ, không chỉ để tự vệ khỏi việc bị lật đổ mà còn để chống lại cả những yêu cầu nhỏ nhất từ dân chúng, cũng như luôn sẵn sàng tham gia vào những cuộc đàn áp dã man nhất, những cuộc tàn sát đẫm máu nhất.

Những người muốn giải phóng bản thân, chúng ta chỉ có một con đường: chống lại vũ lực bằng vũ lực.


Như đã nói, ta phải vận động để đánh thức mong muốn thay đổi xã hội một cách toàn diện trong những người bị áp bức, phải thuyết phục họ rằng, nếu đoàn kết lại cùng nhau, họ có cơ hội thắng; ta phải tuyên truyền và chuẩn bị lực lượng vật chất cũng như tinh thần cần thiết để chiến thắng kẻ thù, bằng cách tận dụng hoặc tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện cách mạng xã hội, dùng vũ lực để lật đổ chính quyền cũng như tước đoạt của cải của những chủ sở hữu giàu có, và bằng cách biến các phương tiện sản xuất sinh sống thành của chung cũng như ngăn việc hình thành một chính phủ mới muốn áp đặt ý chí của chúng và ngăn cản việc tái tổ chức xã hội của người dân.


Những điều này không đơn giản như thoạt nhìn. Ta phải làm việc với mọi người trong xã hội ngày nay, trong một điều kiện vật chất và tinh thần cùng quẫn; ta đang tự huyễn hoặc bản thân nếu cho rằng chỉ tuyên truyền thôi là đủ để nâng cao tri thức của mọi người lên mức cần thiết nhằm thực hiện những ý tưởng của chúng ta.

Giữa con người và môi trường xã hội của họ có một mối quan hệ tương hỗ. Con người sinh ra xã hội, xã hội lại sinh ra con người, và kết quả là một vòng luẩn quẩn. Muốn thay đổi xã hội phải thay đổi được con người, muốn thay đổi con người phải thay đổi được xã hội.

Nghèo đói làm băng hoại nhân cách, và để xóa nghèo người ta phải có quyết tâm cũng như nhận thức xã hội. Chế độ nô lệ dạy người ta làm nô lệ; để giải phóng bản thân khỏi chế độ nô lệ, cần những người khao khát tự do. Thiếu hiểu biết làm người ta không nhận thức được những bất hạnh của mình cũng như những biện pháp để khắc phục chúng, và muốn xóa bỏ sự thiếu hiểu biết thì con người phải có thời gian và phương tiện để giáo dục bản thân.

Chính phủ huấn luyện người dân phục tùng Pháp Luật và tin rằng Pháp Luật là điều thiết yếu cho xã hội; để xóa bỏ chính phủ, người dân phải được thuyết phục về sự vô dụng và tác hại của chính phủ.

Làm thế nào để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này?

May mắn thay, xã hội ngày nay không không được tạo ra bởi ý chí hăng hái của một giai cấp thống trị — vốn đã thành công biến người dân thành những công cụ thụ động, vô tri vô giác cho lợi ích của bản thân. Xã hội ngày nay là kết quả của hàng ngàn những xung đột tàn khốc giữa hàng ngàn những nhân tố con người và nhân tố thiên nhiên không biết phân biệt, không biết định hướng; do đó, không có sự phân chia rõ ràng nào giữa các cá nhân hay giữa các tầng lớp xã hội.

Có vô số những biến tấu của điều kiện vật chất; vô số mức phát triển tinh thần và trí tuệ; và không phải lúc nào — hoặc có thể nói là hiếm khi — vị trí xã hội của một người tương ứng với khả năng và nguyện vọng của họ. Những người quen trong sống thoải mái thường gục ngã khi gặp khó khăn; một số khác thì mài dũa bản thân để vượt qua những điều kiện bẩm sinh nhờ vào những hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi. Một phần lớn tầng lớp lao động đã thành công thoát khỏi cảnh bần cùng, hoặc chưa bao giờ phải chịu nghèo đói; không người lao động nào hoàn toàn không có nhận thức xã hội, hoàn toàn hài lòng với điều kiện mà người chủ áp đặt lên họ. Những thể chế tương tự — được tạo ra từ lịch sử, chứa đầy những mâu thuẫn hệ thống — giống như mầm mống của cái chết, sự phát triển của chúng sẽ dẫn đến nhu cầu thay đổi cũng như sự tan rã của các thể chế.

Từ đây sinh ra khả năng tiến bộ, nhưng không phải khả năng khiến tất cả con người muốn hay đạt được trạng thái vô trị chỉ bằng tuyên truyền, nếu không có sự thay đổi môi trường dần dần trước đó.

Sự tiến bộ phải phát triển đồng thời và song song giữa con người với môi trường của họ. Ta phải tận dụng mọi cơ hội, mọi khả năng và cơ hội mà môi trường hiện tại cho phép để tác động lên đồng loại của mình, hòng mở mang nhận thức của họ, khiến họ tự mong muốn và thực hiện những chuyển biến xã hội lớn lao — vốn hoàn toàn khả thi — và mở đường cho những tiến bộ sau này.

Ta không nên chờ đợi trạng thái vô trị mà tự giới hạn bản thân ở mỗi việc tuyên truyền. Làm vậy, ta sẽ sớm hết việc để làm; bởi lẽ, khi đã thuyết phục được tất cả những người dễ thuyết phục trong môi trường hiện nay thì việc tuyên truyền sau đó sẽ gặp khó khăn; hoặc nếu môi trường thay đổi sinh ra những hội nhóm giỏi tiếp thu cái mới, điều này sẽ xảy ra mà không có sự tham gia của ta, gây phương hại cho ý tưởng của ta.

Ta phải tìm cách khiến mọi người, hoặc nhiều nhóm người khác nhau đưa ra yêu cầu cho cũng như chủ động giành lấy những tiến bộ và tự do mà họ khao khát — khi họ đã có đủ khao khát cũng như sức mạnh để hành động; khi tuyên truyền mọi khía cạnh của đường lối của ta cũng như luôn đấu tranh cho sự hoàn thiện của nó, ta phải thúc đẩy mọi người để họ mong muốn ngày một nhiều hơn, cho đến khi đạt đến tự do toàn diện.

3. Đấu tranh kinh tế

Ngày nay, sự áp bức ảnh hưởng trực tiếp nhất đến người lao động, và là nguyên nhân chính gây ra những quẫn bách về tinh thần và vật chất trong hoạt động lao động, chính là áp bức kinh tế — sự bóc lột mà những người chủ và thương gia áp đặt lên người lao động, do chúng đã độc chiếm hết phương tiện sản xuất và phân phối quan trọng.

Để triệt tiêu sự áp bức này và ngăn nó tái xuất hiện, ta phải thuyết phục được mọi người về những quyền lợi của họ đối với phương tiện sản xuất và phải huấn luyện họ thực hiện những quyền này bằng cách chiếm lấy của cải từ các chủ đất, chủ công nghiệp và tài phiệt, rồi giao tất cả những của cải xã hội này vào tay người dân.

Liệu việc sung công này có thể thực hiện được ngay hôm nay không? Liệu ngay hôm nay chúng ta có thể đi thẳng từ chốn địa ngục của người lao động này lên tới thiên đường tài sản chung hay không?

Sự thật chứng minh rằng người lao động có khả năng đạt được điều này ngay hôm nay.

Nhiệm vụ của ta là chuẩn bị về mặt vật chất và tinh thần cho người dân trước sự sung công thiết yếu này; ta phải thử đi thử lại mỗi khi những biến động mạnh mẽ trao cho ta cơ hội, đến tận thời điểm chiến thắng. Nhưng ta phải chuẩn bị cho người dân bằng cách nào? Ta phải chuẩn bị những điều kiện ấy như thế nào để hiện thực hóa không chỉ việc sung công, mà cả việc tận dụng những của cải chung ấy cho lợi ích của mọi người?

Như đã nói, ta không thể thắng được lòng số đông chỉ bằng tuyên truyền miệng hay thông qua văn bản. Phải có một nền giáo dục thiết thực — vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những thay đổi môi trường dần dần. Song song với việc phát triển ý thức chống lại những bất công và bất hạnh vô ích mà người dân là nạn nhân cũng như khao khát những điều kiện tốt đẹp hơn, họ phải đoàn kết và dựa vào lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh cho nguyện vọng của mình.

Chúng ta — những người vô trị và những người lao động — phải khuyến khích họ đấu tranh và kề vai sát cánh đấu tranh cùng họ.

Nhưng những tiến bộ này có khả thi trong một đế chế tư bản hay không? Chúng có hữu ích cho sự giải phóng hoàn toàn người lao động trong tương lai không?

Dù kết quả thực của những đấu tranh cho lợi ích trước mắt có thế nào, giá trị lớn nhất nằm ở bản thân việc đấu tranh. Qua đó, người lao động biết rằng lợi ích của người chủ đối lập với lợi ích của mình, và rằng họ không thể cải thiện điều kiện của bản thân — chứ chưa nói đến việc giải phóng bản thân — nếu họ không đoàn kết lại để trở nên mạnh mẽ hơn người chủ. Nếu họ thành công giành lấy những gì họ yêu cầu, họ sẽ khấm khá hơn — kiếm được nhiều tiền hơn, làm việc ít giờ hơn cũng như có nhiều thời gian và năng lượng để suy ngẫm về những điều quan trọng với họ, và ngay lập tức họ sẽ có những nhu cầu, đòi hỏi mới to lớn hơn. Nếu họ không thành công, họ sẽ phải nghiên cứu nguyên nhân thất bại của mình, và nhận ra họ cần phải đoàn kết hơn, năng nổ hơn; cuối cùng họ sẽ nhận ra nếu muốn thắng, họ không còn cách nào khác mà phải xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.

Sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp phát triển đạo đức và giải phóng người lao động phải được hưởng lợi từ việc người lao động đấu tranh, đoàn kết vì quyền lợi của bản thân.

Nhưng, một lần nữa, liệu người lao động có thể thực sự thành công cải thiện điều kiện của họ trong tình trạng xã hội hiện nay hay không?

Điều này phụ thuộc vào sự hợp lưu của một số lớn các điều kiện.

Bất chấp phát ngôn của một số người, không tồn tại một luật lệ tự nhiên (luật tiền công) nào quyết định phần nào của lao động sẽ thuộc về người lao động; hoặc, nếu một người muốn tạo ra luật ấy, nó buộc phải quy định rằng: tiền công thông thường không thể thấp hơn mức tối thiểu để duy trì cuộc sống, cũng không thể cao đến mức không sinh ra lợi nhuận cho người chủ.

Bởi lẽ, dĩ nhiên là trong trường hợp đầu tiên, người lao động sẽ chết và ngừng đem lại lợi nhuận, còn trong trường hợp thứ hai thì người chủ sẽ dừng thuê lao động và do đó sẽ không trả tiền công nữa. Nhưng giữa hai thái cực cực đoan này là vô số những điều kiện ở các mức độ khác nhau, từ sự khốn khổ của người lao động nông nghiệp đến những điều kiện gần như là đáng nể của của người lao động lành nghề trong các thành phố lớn.

Tiền công, giờ làm cũng như các điều kiện lao động khác là kết quả của những đấu tranh giữa người chủ và người lao động. Người chủ tìm cách chia cho người lao động càng ít càng tốt và bắt họ làm việc đến cạn kiệt; người lao động cố hoặc nên cố làm việc càng ít và kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Khi người lao động chịu chấp nhận bất cứ điều kiện lao động nào, hoặc ngậm bồ hòn làm ngọt mà không biết những cách hiệu quả để phản kháng lại yêu sách của chủ, họ sẽ ngay lập tức bị dồn ép vào những điều kiện sống vô nhân đạo nhất. Thay vào đó, nếu họ có những ý tưởng về cách sống chính đáng của con người và biết hợp lực, qua việc đình công và ngấm ngầm cũng như công khai đe dọa nổi loạn để giành được sự kính sợ của người chủ, họ sẽ được đối đãi tương đối đàng hoàng. Thậm chí có thể nói, trong một số giới hạn nhất định, giai cấp lao động (chứ không phải một cá nhân người lao động) nhận được những gì họ đòi hỏi.

Do đó, qua việc đấu tranh chống lại người chủ, người lao động có thể phần nào ngăn không để điều kiện của bản thân xuống dốc, cũng như thu được những cải thiện thiết thực. Lịch sử phong trào đấu tranh của người lao động là minh chứng cho sự thật này.

Tuy nhiên, không nên phóng đại tầm quan trọng của đấu tranh giữa người lao động và người chủ trong duy nhất lĩnh vực kinh tế. Người chủ có thể nhân nhượng, và họ thường nhân nhượng khi phải đối mặt với những yêu cầu kiên quyết, miễn là những yêu cầu đó không quá to lớn; nhưng nếu người lao động đưa ra những yêu cầu (và họ nên đưa ra yêu cầu) hút sạch lợi nhuận của chủ — thực chất là một hình thức sung công gián tiếp, chắc chắn người chủ sẽ khiếu nại lên chính phủ và tìm cách dùng vũ lực để buộc người lao động phải tiếp tục công việc làm công ăn lương.

Và trước khi, thậm chí rất lâu trước khi người lao động có thể mơ tới việc được hưởng toàn bộ thành quả lao động của mình, cuộc đấu tranh kinh tế — trên tư cách một phương tiện cải thiện điều kiện sống — sẽ trở nên vô dụng.

Người lao động làm ra mọi thứ và đời sống sẽ là bất khả nếu không có họ; do đó, dễ tưởng rằng họ có thể đòi hỏi bất cứ điều gì chỉ bằng cách đình công. Nhưng để đoàn kết tất cả người lao động, thậm chí chỉ người lao động của một ngành nghề hay một cuộc gia là rất khó, và đối đầu với khối đoàn kết người lao động là tổ chức của những người chủ. Người lao động làm việc ngày qua ngày, và nếu không làm họ sẽ không có cái ăn; trong khi ấy, đám chủ — vì có tiền nên có khả năng tiếp cận mọi loại hàng hóa — có thể ngồi xuống đợi đến khi cái đói buộc người lao động phải trở nên dễ bảo hơn. Việc phát minh và đưa vào sử dụng thiết bị máy móc khiến người lao động trở nên thừa thãi, biến họ trở thành những đội quân thất nghiệp khổng lồ vì đói mà sẵn sàng bán sức lao động với bất kỳ giá nào. Người nhập cư gây ra vấn đề ở các quốc gia có điều kiện lao động tử tế hơn, là bởi hàng đoàn công nhân đói khát — bất kể họ có muốn hay không — tạo cơ hội cho đám chủ xiết tiền công ở khắp nơi. Những thực tế này chắc chắn bắt nguồn từ hệ thống tư bản, góp phần chống lại và thường xuyên đạp đổ những tiến bộ đạt được trong công cuộc nâng cao ý thức và đoàn kết giai cấp lao động. Trong mọi trường hợp, thực tế quan trọng hơn cả là quá trình sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản được tổ chức bởi các nhà tư bản, vì lợi nhuận của cá nhân nhà tư bản, chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu của người lao động một cách hiệu quả nhất — như nó nên nên được tổ chức. Do đó những tệ nạn như hỗn loạn, lãng phí công sức của con người, sự khan hiếm có sắp xếp của hàng hóa, những nghề nghiệp vô dụng và nguy hiểm, thất nghiệp, đất đai bị bỏ hoang, cây trồng không được sử dụng, v.v. là không thể tránh khỏi nếu ta không đoạt lấy công cụ sản xuất từ và việc tổ chức sản xuất từ tay lũ tư bản.

Ngay sau đó, những người lao động muốn giải phóng bản thân, hoặc thậm chí là chỉ muốn cải thiện điều kiện sống của mình, sẽ phải tự vệ chống lại chính phủ, phải tấn công chính phủ; mà chính phủ đã tạo ra một rào cản ngăn sự tiến bộ của nhân loại qua việc hợp pháp hóa quyền tư hữu tài sản và bảo vệ nó bằng vũ lực — phải kiên quyết đánh bại nó nếu người ta không muốn bị giữ chân vĩnh viễn trong những điều kiện hiện thời hoặc tồi tệ hơn.

Từ đấu tranh kinh tế, ta phải chuyển sang đấu tranh chính trị. Thay vì chống lại tiền tấn tiền tỷ của lũ tư bản bằng vài cắc bạc của người lao động trong vô vọng, ta phải chống lại những súng trường súng ngắn — được dùng để bảo vệ tài sản — bằng những phương thức hữu hiệu hơn mà người lao động có thể tìm ra được, để đánh bại vũ lực bằng vũ lực.

4. Đấu tranh chính trị

Đấu tranh chính trị nghĩa là đấu tranh chống chính phủ. Chính phủ là tập hợp những cá nhân nắm giữ quyền lực — bất kể quyền lực ấy đã được đoạt lấy bằng cách nào — để tạo ra luật và áp đặt nó lên những người bị trị, tức là công chúng.

Chính phủ là kết quả của tinh thần thống trị và bạo lực mà một số người lợi dụng hòng áp đặt bản thân lên người khác, cũng là thứ tạo ra đặc quyền và những kẻ bảo vệ nó vô điều kiện.

Nhiều người phát biểu sai lầm rằng ngày nay, chính phủ đóng vai trò bảo vệ chế độ tư bản, nhưng khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì chính phủ sẽ trở thành người quản lý và đại diện cho lợi ích chung. Ngay từ đầu, chủ nghĩa tư bản sẽ không thể bị xóa bỏ nếu người lao động không lật đổ chính quyền, chiếm hữu tất cả tài sản xã hội cũng như tự tổ chức hoạt động sản xuất, hoạt động tiêu dùng cho lợi ích của mọi người mà không cần chờ ý chính phủ — chính phủ có thể tuân phục nhưng không có khả năng làm được điều này.

Vẫn còn một vấn đề sâu xa hơn: nếu chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt trong khi một chính phủ vẫn đang tại vị, chính phủ — bằng việc nhượng lại tất cả các đặc quyền — sẽ lại một lần nữa tạo ra chủ nghĩa tư bản. Bởi lẽ, do không thể làm hài lòng tất cả mọi người, chính phủ cần một giai cấp với điều kiện kinh tế hùng mạnh hỗ trợ nó hòng đổi lấy sự đảm bảo về mặt vật chất cũng như pháp lý.

Do đó, đặc quyền không thể bị xóa bỏ cũng như tự do bình đẳng không thể bén rễ nếu không lật đổ chính phủ — không phải chính phủ này hay chính phủ kia mà là bản thân thể chế chính phủ.

Như với mọi vấn đề liên quan tới lợi ích chung — đặc biệt là vấn đề này, cần có sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, và do đó chúng ta phải cố gắng hết sức để thuyết phục họ rằng chính phủ vừa vô dụng vừa nguy hiểm, và chúng ta có thể sống tử tế hơn nếu chính phủ không tồn tại.

Tuy nhiên, như đã nói nhiều lần, chỉ tuyên truyền thôi thì không đủ để thuyết phục tất cả mọi người — và nếu ta chỉ trói mình trong việc rao giảng chống lại chính phủ và nhởn nhơ chờ ngày công chúng bị thuyết phục về tính khả thi và giá trị của việc tiêu diệt mọi hình thái chính phủ, thì ngày ấy sẽ không bao giờ tới.

Trong khi tuyên truyền chống lại mọi hình thái chính phủ và đòi tự do toàn diện, ta phải ủng hộ mọi cuộc đấu tranh đòi tự do cục bộ, vì ta tin rằng con người học tập nhờ đấu tranh, và khi đã được nếm vị một chút tự do rồi họ sẽ muốn tất cả. Chúng ta luôn phải kề vai sát cánh cùng nhân dân, và khi không thể khiến họ đòi hỏi thật nhiều ta vẫn phải tìm cách khiến họ đòi hỏi một chút; chúng ta phải gắng hết sức hòng giúp họ hiểu rằng, dù họ mong muốn nhiều hay ít, họ phải tự nỗ lực để giành lấy mong muốn ấy, và rằng họ cần khinh thường, căm ghét bất kỳ người nào là thành viên hoặc muốn trở thành thành viên của bộ máy chính phủ.

Vì ngày nay chính phủ nắm mọi quyền hành để — thông qua hệ thống tư pháp — kiểm soát cuộc sống thường nhật cũng như nới rộng hoặc hạn chế quyền tự do của công dân, và vì ta vẫn chưa tước được quyền lực này khỏi tay chính phủ, ta phải tìm cách hạn chế quyền lực của chính phủ và buộc nó phải vận quyền này một cách ít có hại nhất. Những điều này luôn phải được thực hiện từ phía bên ngoài và đối diện với chính phủ — tạo áp lực lên nó bằng cách kích động trên đường phố, qua việc đe dọa sử dụng vũ lực để đòi lấy những thứ ta yêu cầu. Ta tuyệt đối không được nhận bất kỳ một chức vụ lập pháp nào, dù ở cấp quốc gia hay địa phương, bởi làm vậy sẽ vô hiệu hóa mọi hiệu quả hoạt động cũng như phản bội lại tương lai của lý tưởng ta.


Cuối cùng ta nhận định rằng, cuộc đấu tranh chống lại chính phủ là hữu hình và mang tính vật chất.

Chính phủ tạo ra luật pháp. Thế nên, nó phải dùng đến các lực lượng hữu hình (cảnh sát và quân đội) để thi hành luật pháp, bởi nếu không thì chỉ người muốn mới tuân thủ luật, và thế là luật không còn là luật nữa mà chỉ là một loạt các đề xuất ai cũng có thể đồng ý hoặc từ chối tuân thủ. Nhưng chính phủ có quyền lực này và thông qua luật pháp dùng nó để củng cố quyền lực cũng như phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị bằng cách áp bức, bóc lột người lao động.

Giới hạn duy nhất của sự áp bức từ chính phủ nằm ở sức mạnh mà người dân dùng để thể hiện rằng họ có khả năng chống trả lại nó. Xung đột có thể tiềm ẩn hoặc công khai; nhưng nó luôn tồn tại bởi chính phủ không đoái hoài gì đến những bất mãn và phản kháng trong quần chúng, trừ khi phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc nổi dậy.

Khi người dân ngoan ngoãn tuân thủ luật pháp, khi họ phản kháng yếu ớt và chỉ biết nói suông, chính phủ xem xét lợi ích của mình và lờ đi những nhu cầu của người dân; khi họ phản kháng sôi nổi, dai dẳng và đe dọa, tùy thuộc vào mức độ cảm thông ít hay nhiều mà chính phủ hoặc sẽ nhượng bộ hoặc sẽ dùng đến các biện pháp trấn áp. Nhưng đường nào cũng dẫn tới một cuộc nổi dậy, bởi nếu chính quyền không nhượng bộ, người dân sẽ chống đối; nếu chính quyền nhượng bộ, người dân sẽ gặt hái được niềm tin vào bản thân và đưa ra những yêu cầu càng ngày càng cao, cho đến khi mâu thuẫn giữa tự do và uy quyền đạt đến đỉnh điểm và đấu tranh vũ trang nổ ra.

Do đó, ta phải chuẩn bị sẵn sàng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, để khi điều này xảy ra thì nhân dân sẽ giành chiến thắng.


Khởi nghĩa thành công là yếu tố hữu ích nhất trong sự nghiệp giải phóng nhân dân, bởi một khi đã rũ bỏ được ách thống trị, người dân sẽ được tự do chuẩn bị những thể chế mà họ cho là tốt nhất cho bản thân, và khoảng lệch thời gian giữa việc ban hành luật và tiến độ văn minh mà đông đảo người dân đã đạt được sẽ bị đâm thủng chỉ trong một bước. Cuộc nổi dậy định đoạt cuộc cách mạng — còn có thể hiểu là hiện thân mau chóng của các lực lượng chìm được dựng nên trong thời kỳ “tiến hóa.”

Mọi sự phụ thuộc vào những điều mà người dân dám ao ước.

Trong những cuộc nổi dậy trước đây, người dân không nhận thức được lý do thật sự đằng sau những bất hạnh của họ, thế nên họ ao ước cỏn con và giành được rất ít.

Họ sẽ mong muốn gì trong cuộc nổi dậy sắp tới?

Câu trả lời phục thuộc vào công tác tuyên truyền của ta và nỗ lực mà ta bỏ ra cho công tác ấy.

Ta phải thúc đẩy người dân để họ chiếm đoạt tài sản của đám chủ và biến tài sản ấy thành của chung, cũng như tự tổ chức cuộc sống hàng ngày với những tập thể được tự do thành lập, không phải chờ lệnh từ bên ngoài; từ chối đề bạt hoặc công nhận bất kỳ chính phủ hoặc thể chế nào — bất kể chúng được ngụy trang kiểu gì (lập hiến, độc tài, v.v.) hay chỉ có tư cách tạm thời — tự cho mình quyền lập pháp và áp đặt ý chính của mình lên người khác.

Nếu như người dân không hưởng ứng lời kêu gọi của chúng ta, ta cần — nhân danh quyền được tự do của bản thân dù những người khác muốn tiếp tục làm nô lệ, và vì sức mạnh của tiền lệ — hiện thực hóa càng nhiều ý tưởng càng tốt, từ chối công nhận chính phủ mới cũng như tiếp tục nuôi dưỡng sự phản kháng, và giúp những địa phương ủng hộ ý tưởng của ta tự trở thành các cộng đồng vô trị — từ chối mọi sự can thiệp từ chính phủ và thiết lập thỏa thuận tự do với các cộng đồng không gây trở ngại khác.

Trên tất cả, ta phải bằng mọi giá phản đối việc tái lập cảnh sát và các lực lượng vũ trang, tranh thủ mọi cơ hội để khuyến khích người lao động ở những địa phương bị trị nhân sự vắng mặt của các lực lượng đàn áp mà đưa ra những yêu cầu có chiều sâu nhất mà ta có thể khiến họ.

Dù thế nào, ta không thể lùi bước trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp chiếm hữu và thống trị, phải ghi khắc trong tim sự nghiệp giải phóng kinh tế, chính trị và tinh thần của toàn thể nhân loại.

5. Kết luận

Tóm lại, mong muốn của chúng ta là xóa bỏ hoàn toàn những sự thống trị, bóc lột giữa người với người; ta muốn nhân loại hòa hợp, đoàn kết như anh em; ta muốn xây dựng xã hội sao để mang cho mọi người phương tiện hòng đạt được hạnh phúc cũng như sự phát triển đạo đức và tinh thần lớn lao nhất; ta muốn bánh mỳ, mong tự do, muốn tình thương và khoa học cho tất cả mọi người.

Để đạt được những mục tiêu cực kỳ quan trọng này, ta cho rằng phương tiện sản xuất phải thuộc về tất cả mọi người, và rằng không ai, không một nhóm người nào, có quyền ép buộc người khác phục tùng ý muốn của họ, hay áp đặt sự ảnh hưởng của họ không qua việc làm gương hoặc bằng sức mạnh của lý lẽ.

Vậy nên: phải trưng thu tài sản của chủ đất và tư bản vì lợi ích của tất cả mọi người, và bãi bỏ thể chế chính phủ.

Và, trong lúc chờ thời cơ: truyền bá tư tưởng, đấu tranh không ngừng nghỉ — tùy vào hoàn cảnh mà dùng biện pháp ôn hòa hoặc bạo lực — chống lại chính phủ và chống lại giai cấp thống trị để giành tối đa tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người.