Title: Về chế độ “Chuyên chính Vô sản”
Subtitle: lá thư tiên tri gửi Luigi Fabbri
Language: Vietnamese
Publication: Mèo Mun
Date: 1919
Source: Pages 391–392 of No Gods, No Masters edited by Daniel Guérin. Retrieved on 2021-02-01 from https://theanarchistlibrary.org/library/errico-malatesta-a-prophetic-letter-to-luigi-fabbri
Notes: Translator: Anonymous. All footnotes, unless stated otherwise, are by translator. Other footnotes by Daniel Guérin.
London, ngày 30 tháng 7, 1919
Fabbri[1] thân mến,

(...) Có vẻ ta hoàn toàn đồng tình về vấn đề đang khiến ông bận tâm: chế độ “chuyên chính vô sản.”

Theo quan điểm của tôi, ý kiến ​​của những người Vô trị về vấn đề này là hoàn toàn chính đáng. Trên thực tế, trước cuộc cách mạng Bolshevik, ý kiến ấy chưa bao giờ bị ai nghi ngờ. Vô trị nghĩa là không có chính phủ, và do đó càng không thể có chế độ độc tài — một chính phủ chuyên chế không bị kiểm soát, không bị hiến pháp ràng buộc. Nhưng khi cách mạng Bolshevik nổ ra, dường như bạn bè ta đã nhầm lẫn những điều làm nên một cuộc cách mạng chống lại chính phủ đương thời, với những điều mà một chính phủ mới ám chỉ — một chính phủ vừa mới giành lái cuộc cách mạng, hãm phanh và bẻ lái nó theo hướng có lợi cho mục đích chính trị của đảng cầm quyền. Thế là bạn bè ta chỉ còn thiếu điều tuyên bố mình là một người Bolshevik.

Giờ đây, những người Bolshevik mới là người Mác-xít trung thực, tận tâm — khác với những hình mẫu, những người thầy của họ, những người như Guesde, Plekhanov, Hyndman, Scheidemann, Noske,[2] v.v., những người mà số phận ra sao ông cũng biết rồi đấy. Ta tôn trọng sự chính trực của họ, ta ngưỡng mộ nghị lực của họ. Nhưng ta chưa bao giờ đồng tình với họ trong những vấn đề lý thuyết, lại càng không thể kề vai sát cánh với họ khi họ đưa lý thuyết vào thực hành.

Có lẽ sự thật chỉ đơn giản thế này: đối với những người bạn ủng hộ Bolshevik của ta, cụm từ “chuyên chính vô sản" chỉ đơn giản là những hành động mang tính cách mạng của người lao động, khi họ chiếm lấy đất đai và công cụ lao động, cố gắng xây dựng một xã hội và tổ chức một cuộc sống không có chỗ cho một giai cấp bóc lột, áp bức người sản xuất.

Hiểu như vậy, chế độ “chuyên chính vô sản” chỉ là sức mạnh hữu hiệu của tất cả những người lao động đang cố gắng lật đổ xã hội tư bản, và do đó sẽ biến thành tình trạng Vô trị ngay khi bọn phản động dừng phản kháng, ngay khi không kẻ nào còn có thể dùng vũ lực ép buộc quần chúng nghe lời và làm việc cho mình được nữa. Trong trường hợp đó, sự khác biệt giữa ta và họ chỉ là vấn đề ngữ nghĩa. Chế độ chuyên chính vô sản sẽ là chế độ chuyên chính của toàn dân — tức không còn là một chế độ độc tài nữa, giống như “chính phủ của toàn dân” không phải là một “chính phủ” — theo đúng nghĩa độc tài trong lịch sử và thực tế của từ này.

Nhưng những kẻ thực sự ủng hộ chế độ “chuyên chính vô sản” không đi theo đường lối đó, như chúng đang lộ mặt chuột ở Nga. Tất nhiên, giai cấp vô sản đóng một phần vai trò trong việc này, giống như nhân dân luôn đóng một phần vai trò trong các thể chế dân chủ: vai trò che giấu sự thực. Trên thực tế, những gì ta có là chế độ độc tài của một đảng, hay nói đúng hơn, của các nhà lãnh đạo một đảng: một chế độ độc tài chân chính với các sắc lệnh, các chế tài trừng phạt cùng bè lũ tay sai của nó. Trên hết là các lực lượng vũ trang — ngày nay được triển khai để bảo vệ cuộc cách mạng khỏi kẻ thù bên ngoài, nhưng ngày mai sẽ được dùng để áp đặt ý chí của bọn độc tài lên người lao động, kìm hãm cách mạng, củng cố các lợi ích mới trong quá trình hình thành và bảo vệ một giai cấp đặc quyền mới, đối đầu với quần chúng.

Tướng Bonaparte là người đã giúp Cách mạng Pháp tự vệ chống lại cuộc phản công từ châu Âu, nhưng khi bảo vệ nó, ông ta cũng đồng thời bóp chết nó. Lenin, Trotsky và các đồng chí của họ hẳn là những nhà cách mạng chính trực (...) và sẽ không trở thành quân phản trắc — nhưng họ đang chuẩn bị các cơ cấu chính phủ mà những kẻ đến sau sẽ lợi dụng để hút máu cuộc Cách mạng, đến tận khi nó diệt vong. Họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của các phương tiện họ dùng, và tôi sợ rằng cuộc Cách mạng sẽ lụi tàn theo họ.

Lịch sử lặp lại: mutatis mutandis,[3] chính sự độc tài của Robespierre đã đưa Robespierre lên đoạn đầu đài, và mở đường cho Napoléon.

Ấy là những suy nghĩ chung của tôi về tình hình ở Nga. Còn những tin tức chi tiết đã đến tay ta, chúng vẫn còn quá lộn xộn và mâu thuẫn, nên tôi chưa dám mạnh miệng đưa ra ý kiến. Cũng có thể những sự chúng ta tưởng tệ hại thực ra chỉ là hậu quả bất đắc dĩ của hoàn cảnh cụ thể ở Nga. Tốt nhất ta nên đợi, nhất là khi ta có nói gì cũng không thể ảnh hưởng đến các diễn biến ở Nga, mà ở Ý lại có thể bị hiểu sai thành những lời lẽ ủng hộ bè lũ phản động.

[1] Chú thích trong bản tiếng Anh: Luigi Fabbri (1877-1938): Tác giả, dân quân vô trị người Ý. Tác giả quyển “Dictatorship and Revolution” (tạm dịch: “Chế độ độc tài và Cách mạng).

[2] Chú thích trong bản tiếng Anh: Jules Guesde (1845-1922): nhà lãnh đạo dân chủ xã hội, sau theo chủ nghĩa vô trị và là người tiên phong cho chủ nghĩa Mác ở Pháp. Georgi Plekhanov (1856-1918): một nhà chủ nghĩa dân túy người Nga, sau chuyển thành người Mác-xít khi sống lưu vong; người tiên phong cho chủ nghĩa Mác ở Nga — là cố vấn và người cộng tác của Lenin trước khi đoạn tuyệt với ông ta và lên án cuộc đảo chính Bolshevik năm 1917. Henry Hindman (1843-1921): nhà sáng lập chủ nghĩa lao động, sau khi làm người tiên phong cho chủ nghĩa Mác ở Anh. Philipp Scheidemann (1864-1935): Thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội Đức năm 1919. Gustav Noske (1868-1946): cánh hữu Đảng Dân chủ Xã hội, Thống đốc Kiel năm 1918, tham gia hội đồng ủy viên nhân dân phản cách mạng đầu năm 1919, sau đó trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ chức đàn áp các phong trào cách mạng thời hậu chiến.

[3] Cụm từ tiếng Latin, tạm dịch “tình hình có thể khác nhưng bản chất vẫn như vậy.”