Pëtr Kropotkin
Ta đủ tốt hay không?
(Are We Good Enough?)
“Con người không đủ tốt để có thể sống trong thể chế Cộng sản” là một trong những ý kiến phản bác Chủ nghĩa Cộng sản phổ biến nhất. Người ta sẽ chẳng chịu quỳ gối trước Chủ nghĩa Cộng sản cưỡng ép, nhưng lại chưa đủ chín chắn cho Chủ nghĩa Cộng sản Tự do, Vô trị. Nhiều thế kỷ giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân đã khiến họ trở nên quá ích kỷ. Lao động nô lệ, phục tùng kẻ mạnh và làm việc dưới đòn roi của cái nghèo khiến con người không còn thích hợp với một xã hội tự do không ép buộc (trừ sự phản đối từ đồng loại nếu một người không làm tròn cam kết xã hội mà ban đầu họ tự nguyện tham gia). Do đó, họ bảo ta: cần một xã hội chuyển tiếp trung gian để quá độ lên Chủ nghĩa Cộng sản.
Quả là bình mới rượu cũ; chuyện luôn bị nhai đi nhai lại từ những nỗ lực đầu tiên trong bất kỳ cuộc cải cách nào — chính trị lẫn xã hội — của bất kỳ xã hội loài người nào. Những lời ta phải nghe trước khi lật đổ chế độ nô lệ — lời những kẻ chỉ biết mũ ni che tai nói cách đây hai mươi thế kỷ, bốn mươi thế kỷ; những kẻ chẳng ưa thay đổi, những kẻ run sợ trước những tư tưởng táo bạo, những kẻ chưa nếm đủ bất công trong xã hội đương thời để cảm nhận được sự cấp thiết của cái mới!
Con người không đủ tốt cho Chủ nghĩa Cộng sản, vậy họ có đủ tốt cho Chủ nghĩa Tư bản không? Nếu con người ai cũng tốt bụng, tử tế và chính trực, họ sẽ không bao giờ bóc lột lẫn nhau, dù có thừa cơ để làm vậy. Những con người như thế nắm quyền tư hữu tư bản cũng chẳng có gì nguy hiểm. Nhà tư sản sẽ nhanh nhảu chia sẻ lợi nhuận với nhân viên, còn những người lao động được trả công tốt nhất lại chia sẻ với những kẻ chẳng may gặp khó. Nếu biết lo xa, người ta sẽ chẳng sản xuất những nhung lụa cùng xa xỉ phẩm, chừng nào miệng ăn trong các gia đình còn đói: người ta sẽ không xây cung điện chừng nào còn khu ổ chuột.
Nếu có tâm công bình, người ta sẽ không đàn áp kẻ khác. Các chính trị gia sẽ không lừa dối cử tri của mình; Nghị viện sẽ không phải là một căn phòng chỉ biết tán dóc và trí trá, còn cảnh sát của Charles Warren[1] sẽ từ chối cản trở những người tới phát biểu và nghe phát biểu tại Quảng trường Trafalgar. Nếu người ta hào hiệp, tự trọng và bớt tự cao tự đại, thì ngay cả một nhà tư bản tồi cũng chẳng phải mối nguy; nhân viên sẽ sớm hạ bệ anh ta xuống địa vị một người đồng nghiệp-quản lý bình thường. Ngay cả một vị Vua cũng không còn nguy hiểm, bởi mọi người sẽ chỉ coi hắn là một tay bất tài (thế nên mới được giao nhiệm vụ ký tá vài thứ giấy tờ ngu ngốc để gửi cho những kẻ dở hơi tự xưng là Vua khác).
Nhưng con người không phải là những kẻ có tư tưởng tự do, độc lập, lo xa, nhân từ và biết yêu thương như ta hằng mong muốn. Chính vì lẽ đó, họ không thể tiếp tục sống dưới thể chế hiện tại — một thể chế cho phép họ áp bức, bóc lột lẫn nhau. Nhìn những người thợ may khốn khổ tuần hành dưới phố hồi Chủ nhật tuần trước mà xem: giả sử một người trong số họ được thừa kế 100 bảng Anh từ một ông chú người Mỹ. Cầm 100 bảng này, chắc chắn hắn sẽ không chung tay mở một nghiệp đoàn ra trò với một tá thợ may khốn khổ khác để cùng cố gắng cải thiện hoàn cảnh của bản thân. Hắn sẽ trở thành ông chủ. Thế nên, ta nói rằng trong một xã hội mà con người ai cũng tệ bạc như tay thừa kế người Mỹ này, khó mà chờ được hắn đi giúp đỡ những người thợ may khốn khổ khác. Ngay khi có cơ hội, hắn sẽ hút cạn máu họ; trong khi, nếu chính những người thợ may này có nguồn sống ổn định từ các cửa hàng Cộng sản, thì không ai trong số họ lại đi bóc lột đồng chí cũ để làm giàu cho mình, và ông chủ trẻ kia sẽ không trở thành con quái vật xấu xa mà anh ta chắc chắn sẽ trở thành, nếu anh ta tiếp tục làm ông chủ.
Chúng ta bị cho là quá lệ thuộc, quá hợm hĩnh để có thể sống trong các thể chế tự do; nhưng ta nói rằng: chính vì quá lệ thuộc nên ta không thể tiếp tục sống dưới các thể chế hiện thời, vốn nuôi dưỡng thói lệ thuộc. Ta thấy rằng người Anh, người Pháp và người Mỹ thể hiện thói lệ thuộc ghê tởm nhất trước Gladstone, Boulanger và Gould.[2] Ta kết luận rằng với một nhân loại có thói lệ thuộc kinh khủng đến thế, không thể để quần chúng bị cướp đi cơ hội giáo dục bậc cao, bị buộc phải sống trong bất bình đẳng về mặt vật chất, học vấn cũng như kiến thức như hiện nay. Giáo dục tiên tiến cùng sự bình đẳng điều kiện là cách duy nhất để xoá bỏ bản năng nô lệ. Thật không thể hiểu được, vì lẽ gì thói nô lệ lại được dùng để biện minh cho việc từ chối bình đẳng giáo dục cho mọi thành viên trong cộng đồng, biện minh cho việc kéo dài tình trạng bất bình đẳng điều kiện, dù chỉ thêm một ngày.
Giấy mực ta có hạn, nhưng cứ thử phân tích bất kỳ khía cạnh nào của đời sống xã hội mà xem, ta sẽ thấy hệ thống chuyên chế, tư bản đương thời hoàn toàn không phù hợp với một xã hội loài người quá hoang phí, quá tham lam, quá ích kỷ, quá lệ thuộc như bây giờ. Thế nên khi nghe người ta nói: “người Vô trị ảo tưởng rằng bản chất con người tốt đẹp hơn nhiều so với thực tế,” ta chỉ còn biết ngán ngẩm: làm sao những người thông minh có thể lặp lại một điều vớ vẩn như thế. Chẳng phải ta luôn nói rằng, cách duy nhất để con người bớt tham lam và ngạo mạn, bớt dã tâm và lệ thuộc, là phải loại bỏ những điều kiện thuận lợi cho thói ích kỷ và tính tham lam, thói lệ thuộc và dã tâm phát triển hay sao? Điểm khác biệt duy nhất giữa chúng ta và những kẻ phản bác như trên là: khác với chúng, ta không phóng đại sự kém cỏi của quần chúng, và không thoả mãn nhắm mắt trước những thói xấu tương tự của tầng lớp thượng lưu. Ta nói rằng kẻ cai trị lẫn người bị cai trị đều bị quyền lực tha hoá; kẻ bóc lột lẫn người bị bóc lột đều bị sự bóc lột tha hoá; những kẻ phản bác ta dường như thừa nhận rằng chỉ có một loại người tử tế — những kẻ thống trị, những ông chủ, những nhà lãnh đạo sẵn sàng ngăn người xấu — những người bị cai trị, bị bóc lột, bị dắt mũi — khỏi trở nên tồi tệ hơn.
Có một sự khác biệt — một sự khác biệt rất quan trọng. Ta thừa nhận sự bất toàn của bản chất con người, nhưng ta không tạo ngoại lệ cho những kẻ cai trị. Những kẻ phản bác ta thì có, dù đôi khi trong vô thức. Và bởi ta không tạo ra ngoại lệ như vậy, họ tuyên bố rằng ta là những kẻ mơ mộng, “phi thực tế.”
Có một cuộc khẩu chiến xưa cũ lắm, cuộc khẩu chiến giữa những “người thực tế” và những “người phi thực tế” (hay còn gọi là những người theo chủ nghĩa không tưởng): một cuộc khẩu chiến luôn bùng lên mỗi lần có đề xuất đổi mới, và luôn kết thúc trong đại bại của những kẻ tự cho mình là người thực tế.
Hẳn nhiều người chúng ta còn nhớ cuộc khẩu chiến này khi nó xảy ra ở Mỹ, trước khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Trước khi người da đen được giải phóng hoàn toàn, những kẻ thực tế thường nói rằng, nếu người da đen không còn bị cưỡng ép lao động dưới đòn roi của chủ nô nữa, họ sẽ không chịu làm việc và sớm trở thành gánh nặng cho cộng đồng. “Cấm roi dày là được rồi,” họ nói. “Giảm dần độ dày của roi theo luật xuống một phân, rồi sau đó là một phần mười phân; nhưng không thể không có roi được.” Và khi những người bãi nô nói — giống như ta đang nói bây giờ — rằng việc hưởng thụ thành quả lao động của bản thân là động lực làm việc mạnh mẽ hơn nhiều so với cả ngọn roi dày nhất, họ nhận được lời đáp hệt như lời đáp ta nhận được bây giờ: “vớ vẩn, bạn tôi ơi. Anh không hiểu bản chất con người đâu! Nhiều năm nô lệ đã khiến chúng trở nên cạn nghĩ, lười biếng và lệ thuộc — mà bản chất con người không thể thay đổi trong một ngày được. Tất nhiên anh có ý tốt, nhưng mà ‘phi thực tế’ quá.”
Chà, suốt một thời những kẻ thực tế đã lên kế hoạch chi tiết để giải phóng người da đen dần dần. Nhưng, than ôi! Đống kế hoạch đó hoá ra lại khá phi thực tế, và cuộc nội chiến — cuộc nội chiến đẫm máu nhất từng được ghi nhận — đã nổ ra. Rồi chiến tranh dẫn đến chế độ nô lệ bị xoá bỏ mà không đi qua bất cứ giai đoạn chuyển tiếp nào. Và nhìn mà xem, chẳng hậu quả khủng khiếp nào được những kẻ thực tế tiên liệu xảy ra cả. Người da đen lao động; họ cần cù, chăm chỉ, thông thái — quá là thông thái ấy chứ. Điều đáng tiếc duy nhất là chủ trương bình quyền tuyệt đối cùng phân chia đất đai cho những nô lệ được giải phóng của cánh tả phe phi thực tế đã không được ghi nhận. Nếu không, nó đã cứu ta khỏi đủ thứ rắc rối ngày hôm nay.
Cũng trong khoảng thời gian này, một cuộc khẩu chiến lại bùng lên ở Nga, và nguyên nhân của nó là như sau. Ở Nga có 20 triệu nông nô. Suốt nhiều thế hệ, họ nằm dưới sự cai trị — hay đúng hơn là dưới ngọn roi bạch dương — của chủ nhân. Họ bị đánh vì xới đất không tốt, bị đánh vì muốn nơi ở sạch sẽ hơn, bị đánh vì dệt vải không hoàn hảo, bị đánh vì không gả cưới sớm con trai con gái mình — họ bị đánh vì mọi thứ. Thói nô lệ, tính cạn nghĩ là những đặc điểm nổi tiếng của họ.
Rồi những người theo chủ nghĩa không tưởng đến và đòi hỏi không thiếu một điều: giải phóng toàn bộ nông nô; bãi bỏ lập tức mọi nghĩa vụ của nông nô đối với lãnh chúa. Hơn thế nữa: lập tức truất quyền tài phán của lãnh chúa, giao tất cả các sự vụ mà trước đây chúng xét xử cho tòa án nông dân, do nông dân bầu ra và xét xử — không phải xử theo những luật lệ mà họ không biết, mà xử theo phong tục bất thành văn của họ. Ấy là mưu đồ phi thực tế của phe phi thực tế. Nó bị những kẻ thực tế coi như một trò điên rồ.
Nhưng may thay, thời đó ở Nga có rất nhiều điều phi thực tế, được nuôi dưỡng bởi sự phi thực tế của những người nông dân — những người đã nổi dậy chống lại súng ống bằng gậy gộc, không chịu khuất phục bất chấp bao nhiêu cuộc thảm sát, và đẩy tinh thần phi thực tế lên cao đến mức phe phi thực tế thành công ép Sa hoàng phải ký vào bản yêu sách của họ — dù vẫn chịu bị cắt xén vài chỗ. Những kẻ thực tế nhất đã vội vã chạy trốn khỏi Nga, kẻo bị cắt cổ vài ngày sau khi kế hoạch phi thực tế đó được ban hành.
Nhưng mọi việc tiếp diễn khá suôn sẻ, bất chấp sai lầm những kẻ thực tế tiếp tục mắc phải. Những nô lệ bị cho là lũ vô lại cạn nghĩ, ích kỷ, v.v., đã thể hiện ý thức vô cùng tốt, cũng như khả năng tổ chức vượt qua sự mong đợi của cả những người phi thực tế nhất. Trong ba năm sau Giải phóng, địa mạo chung của các ngôi làng đã hoàn toàn thay đổi. Nô lệ đã trở thành Con Người!
Những người theo chủ nghĩa không tưởng đã thắng. Họ đã chứng minh rằng chính mình mới là những người thực tế, và rằng những kẻ tỏ ra thực tế là những kẻ ngu ngốc. Nay người hiểu về giai cấp nông dân Nga chỉ có một hối tiếc duy nhất: ta đã nhượng bộ quá nhiều cho những kẻ thực dụng vô dụng và đám ích kỷ hẹp hòi, và đề nghị của cánh tả phe phi thực tế đã không được thực hiện đầy đủ.
Không thể đưa ra thêm ví dụ được nữa. Nhưng ta tha thiết mời những người muốn tự tư duy xem xét kỹ lịch sử của bất kỳ chuyển biến xã hội to lớn nào từng xảy ra: từ sự trỗi dậy của Công xã đến Cải cách và đến thời hiện đại của chúng ta. Họ sẽ thấy rằng, lịch sử không gì khác chính là cuộc đấu tranh giữa kẻ thống trị và người bị trị, kẻ áp bức và người bị áp bức. Trong cuộc đấu tranh ấy, phe thực tế luôn đứng về phía kẻ thống trị và kẻ áp bức, còn phe phi thực tế luôn đứng về phía người bị áp bức. Họ sẽ nhận ra rằng cuộc đấu tranh luôn kết thúc trong thất bại chung cuộc của phe thực tế, sau biết bao đổ máu và đau thương, chỉ vì thứ mà chúng gọi là “cảm quan thực tế” của mình.
Nếu “phi thực tế” có nghĩa là nhìn được tương lai thấu suốt hơn đám người thực tế vừa hèn nhát vừa thiển cận, thì những kẻ nói rằng ta phi thực tế không sai. Nhưng nếu chúng muốn tuyên bố rằng mình — những kẻ thực tế — biết nhìn xa trông rộng hơn, thì ta phải chỉ vào lịch sử và yêu cầu chúng tự đặt bản thân vào những bài học kinh nghiệm từ lịch sử, trước khi khẳng định ngạo mạn như vậy.
[1] Charles Warren (1840-1927): Tướng người Anh. Chủ nhật ngày 13 tháng 11 năm 1887 (sau được gọi là Bloody Sunday), hàng chục ngàn người biểu tình đòi quyền lợi cho người lao động Ireland tại Quảng trường Trafalgar, London. Charles Warren, khi đó là người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thủ đô London, đàn áp cuộc biểu tình dữ dội.
[2] William Ewart Gladstone (1809-1898), Georges Boulanger (1837-1891), Jay Gould (1836-1892): đều là những chính trị gia quyền lực hoặc nhà tư sản giàu có.