Emma Goldman
Đứa Trẻ và những kẻ thù
(The Child and its enemies)
Đứa trẻ nên được nhìn nhận như một cá thể độc lập, hay một đồ vật cho người lớn xung quanh thỏa ý nhào nặn? Tôi cho rằng đây là câu hỏi quan trọng nhất dành cho phụ huynh và các nhà giáo dục. Đứa trẻ có thể phát triển nội tâm hay không, những khao khát được thể hiện của trẻ có được nhìn thấy ánh mặt trời hay không, phụ thuộc vào lời đáp thích hợp cho câu hỏi này.
Mong ước mãnh liệt của những nhân cách tốt đẹp và cao quý nhất trong thời đại chúng ta tạo nên những cá tính mạnh mẽ tột cùng. Mọi tâm hồn nhạy cảm đều kinh sợ việc bị đối xử như một cỗ máy, hay một con vẹt chỉ biết nhại lại những khuôn phép và kính sợ. Con người luôn khao khát được đồng loại công nhận.
Phải nhớ rằng, người trưởng thành phát triển thông qua đứa trẻ, mà những quan niệm giáo dục và huấn luyện trẻ em ngày nay trong nhà trường và gia đình — kể cả những gia đình mang tư tưởng tự do, cấp tiến — đều có mục đích kìm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Mọi thể chế hiện hành như gia đình, Nhà nước và các quy phạm đạo đức thấy một kẻ thù không đội trời chung trong những nhân cách đẹp đẽ, dũng cảm và mạnh mẽ. Thế nên, ngay từ buổi sơ sinh, chúng kìm kẹp cảm xúc con người và tư duy cá nhân bằng mọi giá, hoặc nhào nặn con người theo cùng một khuôn mẫu — không thành một cá thể toàn vẹn mà thành những nô lệ nhẫn nhục, những cỗ máy chuyên nghiệp, những công dân đóng thuế hay những nhà đạo đức đầy chính nghĩa. Nếu ta bắt gặp một nhân cách không thể bị gò ép bất chấp những điều trên (một chuyện rất hiếm gặp), thì đó không phải do phương thức nuôi dạy hay giáo dục, mà là do nhân cách ấy tự khẳng định bản thân, bất chấp những rào cản từ chính quyền và gia đình. Tìm được những nhân cách như vậy là điều đáng mừng. Bởi lẽ, có quá nhiều trở ngại trên con đường trưởng thành và phát triển của một người, đến mức nếu họ vẫn giữ được vẻ đẹp và sức mạnh cá nhân, cũng như vượt qua được những mưu toan hòng bóp chết những điều tối quan trọng với họ, thì đó quả là một phép màu.
Thật vậy, người đã giải phóng bản thân khỏi những gông cùm ngu xuẩn của sự tầm thường, người có thể đứng thẳng mà không cần dựa dẫm vào đạo đức, vào sự đồng tình của dư luận — Friedrich Nietzsche[1] gọi đó là sự lười biếng cá nhân — có khả năng ca lên những bản hùng ca của tự do và độc lập. Họ đã giành được quyền tự do độc lập qua những trận chiến khốc liệt và nảy lửa — những trận chiến bắt đầu từ độ tuổi thơ dại nhất.
Đứa trẻ thể hiện khuynh hướng cá nhân khi chơi, khi đặt câu hỏi, khi tiếp xúc với con người và sự vật. Nhưng nó phải đấu tranh với sự can thiệp lên thế giới nội tâm không ngừng nghỉ từ môi trường bên ngoài. Đứa trẻ không được thể hiện bản thân theo bản chất hay tính cách đang phát triển của mình. Nó phải trở thành một vật thể, một đồ vật. Mọi câu hỏi của trẻ đều được hồi đáp bằng những câu trả lời lời hạn hẹp, tầm thường và lố bịch — hầu hết dựa trên sự dối trá. Khi đứa trẻ khao khát được nhìn thấy những kỳ quan của thế giới bằng đôi mắt to tròn, ngây thơ ngập tràn thắc mắc, người lớn quanh nó nhanh chóng khóa sập những cánh cửa và những khung cửa sổ lại, hòng giam mầm non mỏng manh ấy trong một nhà kính nóng hầm hập — nơi nó chẳng thể thở hay tự do phát triển.
Trong tác phẩm “Fecundity” của mình, Zola[2] khẳng định rằng hầu hết mọi người đã khai tử đứa trẻ, âm mưu chống lại sự ra đời của nó. Một bức tranh thật khủng khiếp, nhưng thứ âm mưu đã len lỏi vào nền văn minh nhân loại để chống lại sự hình thành và phát triển nhân cách con người, đối với tôi còn kinh khủng và nguy hiểm hơn nhiều, bởi cách nó từ từ phá hủy những tố chất tiềm ẩn cũng như gây ra những hậu quả chí tử, khó lường lên đời sống xã hội của đứa trẻ.
Mọi nỗ lực trong đời sống giáo dục của ta dường như đều là để tìm cách khiến đứa trẻ trở nên xa lạ với chính bản thân mình. Mục tiêu của giáo dục là tạo ra những cá thể xa lạ và liên tục đối đầu với nhau.
Lý tưởng của nhà sư phạm không phải những cá nhân hoàn chỉnh, vẹn toàn và độc đáo; họ theo đuổi những cỗ máy bằng xương bằng thịt trong môn nghệ thuật sư phạm, hòng nhét chúng vào guồng quay xã hội cũng như vào sự trống rỗng và buồn tẻ của cuộc đời. Mọi gia đình, trường học, cao đẳng hay đại học đều đại diện cho chủ nghĩa thực dụng khô khan, lạnh lẽo, rót đầy những tín điều già cỗi vào tâm trí người học trò. “Dữ kiện và số liệu” — như chúng được gọi, chứa rất nhiều thông tin, đủ hiệu quả để duy trì mọi dạng quyền lực và khiến người ta kính sợ trước tầm quan trọng của quyền chiếm hữu, nhưng lại là một bất lợi to lớn cho công cuộc tìm hiểu tâm hồn con người và vị trí của nó trong thế giới này.
Chân lý đã chết và bị lãng quên từ lâu, những hủ niệm về thế giới và con người — vốn đã cũ mốc từ thời ông bà ta — đang được đóng đinh vào đầu lớp trẻ. Bản chất cuộc sống là sự thay đổi liên tục, là vô số những biến thiên và đổi mới không ngừng nghỉ. Ngành sư phạm mù quáng không thấy điều này, còn hệ thống giáo dục thì đang bị biến thành những tập hồ sơ được phân loại và đánh số. Họ thiếu đi những hạt giống khỏe mạnh, sẽ vươn mầm đến tầm cao hùng vĩ khi được gieo xuống đất màu; họ đã cạn sức và không có khả năng đánh thức sự tự do của nhân cách. Giáo viên — những linh hồn đã tắt thở — làm việc với những giá trị đã tắt lửa. Hậu quả của những điều này là không thể tránh khỏi.
Dù có hăng hái đi hướng nào để tìm kiếm những người không đo giá trị của ý tưởng và cảm xúc bằng thước đo thực dụng, ta cũng chỉ gặp toàn những thứ hàng hóa, toàn thói huấn luyện bầy đàn, chứ không hề thấy kết tinh của những cá tính phóng khoáng, bẩm sinh được hình thành trong tự do.
động tĩnh một linh hồn.
tẩy não chính là đây.”
Những lời này của Faust[3] trùng khớp với phương pháp sư phạm của ta. Lấy ví dụ chuyện dạy lịch sử trong trường học: các sự kiện trên thế giới bị biến thành một màn múa rối rẻ tiền, nơi tưởng như chỉ vài kẻ giật dây đã chi phối tiến trình phát triển của toàn nhân loại.
Và lịch sử nước ta nữa! Ý Chúa chọn làm quốc gia tiên phong của nhân loại? Làm lu mờ các quốc gia khác? Hòn ngọc đại dương? Công bình, lý tưởng, dũng cảm vô song? Hậu quả của những lời dạy lố bịch này là một thứ lòng yêu nước nông cạn — mù quáng trước những giới hạn của bản thân, ngoan cố như lừa và hoàn toàn không có khả năng nhìn nhận năng lực của các quốc gia khác. Đây là con đường khiến tinh thần tuổi trẻ bị thui chột vì thói thổi phồng giá trị bản thân. Thật không ngạc nhiên khi dư luận dễ bị dắt mũi như vậy.
Tất cả các phòng học cần treo bảng “thức ăn nhai sẵn,” để thông cáo cho những người không muốn đánh mất nhân cách và khả năng phán đoán bẩm sinh của mình. Thế mới đủ để thừa nhận vô số những trở ngại trên con đường phát triển tinh thần độc lập của trẻ.
Nhiều ngang ngửa và không kém phần quan trọng là những khó khăn mà đời sống tinh thần lớp trẻ phải đối mặt. Chẳng phải ta nên tin rằng cha mẹ cần gắn kết với con cái bằng những hợp âm dịu dàng và tinh tế nhất ư? Đúng, ta nên tin vậy, nhưng trên thực tế, cha mẹ chính là những kẻ đầu tiên phá hoại sự phong phú/giàu có của tâm hồn trẻ thơ.
Kinh thánh nói rằng Chúa tạo ra con người dựa theo hình ảnh của mình — đây rõ ràng là một thất bại. Con người noi theo gương xấu của Thượng đế, bằng mọi giá nhào nặn và uốn nắn đứa trẻ theo ý mình. Họ khăng khăng tin rằng đứa trẻ là một phần của bản thân họ — một quan niệm vừa sai trái vừa nguy hiểm — khiến họ càng hiểu nhầm tâm hồn trẻ, hiểu sai hậu quả của sự phục tùng cưỡng ép.
Ngay từ khi những tia ý thức đầu tiên rọi vào tâm hồn, đứa trẻ đã tự động bắt đầu so sánh nhân cách của mình với nhân cách của những người xung quanh. Cái nhìn tò mò ấy đã gặp phải bao nhiêu vực sâu lạnh lẽo? Chẳng bao lâu, nó đã phải đối mặt với một thực tế đau đớn — nó chỉ ở đây như một đồ vật vô tri vô giác trong tay cha mẹ và người giám hộ, những kẻ sẽ dùng quyền hạn của mình để nhào nặn nó.
Cuộc đấu tranh tàn khốc giữa những người biết tư duy và những lề thói chính trị, đạo đức và xã hội bắt nguồn từ gia đình, nơi đứa trẻ buộc phải liên tục chống lại bạo lực, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Những mệnh lệnh tuyệt đối: “mày phải!” “đây là đúng!” “kia là sai!” dội xuống đầu óc non nớt của trẻ, xui khiến chúng cúi đầu trước những thứ đạo lý già cỗi. Nhưng phẩm chất và bản năng tiềm ẩn của đứa trẻ vẫn sẽ cố tìm những cách riêng để đi đến tận gốc rễ sự việc và phân biệt đúng sai thường tình. Đứa trẻ sẽ muốn làm theo ý mình, bởi nó cũng là máu thịt như những kẻ tự cho mình quyền định đoạt cuộc đời nó. Tôi không hiểu sao cha mẹ có thể mong con cái sau này sẽ trở thành những tâm hồn tự lập, trong khi họ tìm mọi cách để cướp khỏi chúng những cơ hội trải nghiệm, cướp khỏi chúng mọi điểm mạnh phẩm chất và nhân cách — những thứ tạo ra sự khác biệt giữa chúng và cha mẹ, những thứ biến chúng thành những người có tư duy sáng tạo. Một cây non bị người làm vườn cắt tỉa, uốn nắn thành hình dáng như con người mong muốn, sẽ không bao giờ đạt tới độ cao và vẻ đẹp hùng vĩ như khi được tự do sinh trưởng trong tự nhiên.
Đến tuổi thành niên, bên cạnh vào vô số những ngăn cấm trong gia đình và trường học, đứa trẻ lại gặp phải bao nhiêu là cấm cản đạo đức, xã hội cứng nhắc. Mong muốn được yêu và được quan hệ thể xác sẽ phải đối mặt với sự thiếu hiểu biết của phần lớn cha mẹ — những người cho đó là điều không đứng đắn, không hợp khuôn phép, là sự ô nhục cần bị cấm cản, xua đuổi như bệnh tật. Sự ngu ngốc của những người xung quanh biến tình yêu và những cảm xúc dịu dàng của đứa trẻ thành thói bậy bạ, thô tục; buộc nó phải bóp chết hoặc giấu kín những điều đẹp đẽ tinh tế, như giấu một thứ tội lỗi không đáng được nhìn thấy ánh mặt trời.
Đáng ngạc nhiên là cha mẹ sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho sự an toàn thể chất của trẻ, sẵn sàng thức đêm trông bệnh trong đau khổ sợ hãi. Nhưng họ lại lạnh lùng thờ ơ, không một chút thấu hiểu cho những khao khát tâm hồn và mong mỏi của con mình, chẳng nghe cũng chẳng muốn nghe tiếng thét của một linh hồn van cầu được công nhận. Trái khoáy thay, họ sẽ bóp nghẹt âm thanh của tình yêu, của mùa xuân và cuộc đời tươi trẻ ấy; họ sẽ đặt ngón tay thon dài của uy quyền lên cổ họng tinh tế ấy và chặn lại bài ca lấp lánh của sự trưởng thành cá nhân, của vẻ đẹp tính cách, của sức mạnh tình yêu và mối quan hệ giữa người với người — những thứ khiến cuộc đời đáng sống.
Vậy mà những người cha mẹ này vẫn tưởng rằng họ muốn điều tốt nhất cho đứa trẻ, mà có lẽ là một vài người họ thật tâm nghĩ vậy; nhưng điều tốt nhất của họ lại chính là cái chết và sự mục ruỗng của mầm non mới nhú. Rốt cuộc, họ chỉ đang bắt chước chủ nhân của họ — Nhà nước, trong các vấn đề về thương mại, xã hội, đạo đức — bằng cách cưỡng chế đàn áp mọi nỗ lực độc lập để phân tích và xóa bỏ các tệ nạn xã hội; họ không bao giờ hiểu được sự thật muôn đời rằng mọi phương pháp họ dùng chỉ là chất kích thích, khiến lòng mưu cầu và cuộc đấu tranh cho tự do trở nên mạnh mẽ hơn cả.
Mọi phụ huynh và giáo viên hẳn phải biết, sự cưỡng ép sẽ đánh thức tâm phản kháng. Người ta ngạc nhiên khi phần đông con cái của những bậc phụ huynh cấp tiến lại kịch liệt phản đối tư tưởng của cha mẹ; nhiều đứa sống theo lối cũ cổ hủ, hoặc là thơ ơ trước những tư tưởng và giáo lý tái thiết xã hội. Điều này không có gì lạ. Bậc cha mẹ cấp tiến, dù đã được giải phóng khỏi niềm tin về quyền sở hữu tâm hồn con người, vẫn khăng khăng tin rằng họ sở hữu đứa trẻ, rằng họ có quyền uy với nó. Thế nên, họ nhào nặn đứa trẻ theo quan điểm đúng sai của mình, áp đặt tư tưởng lên đứa trẻ một cách độc đoán không khác gì các bậc phụ huynh Công giáo. Và cũng giống như các bậc phụ huynh Công giáo, họ buộc trẻ phải “làm theo điều ta nói, chớ làm theo điều ta làm.” Nhưng tâm trí ngây thơ của đứa trẻ nhận sẽ ra từ sớm, rằng cha mẹ chúng sống một cuộc đời trái ngược với niềm tin mà họ rao giảng; rằng giống như những con chiên ngoan đạo cầu nguyện vào ngày Chủ nhật rồi làm trái lời Chúa những ngày còn lại trong tuần, bậc cha mẹ cấp tiến luận tội Chúa, giáo sĩ, nhà thơ, chính phủ và quyền uy trong gia đình, nhưng vẫn cam chịu sống trong thực tế mà họ căm ghét. Thế là bậc cha mẹ với tư tưởng tự do có thể tự hào khoe rằng đứa con trai bốn tuổi của mình có thể nhận ra Thomas Paine hay Ingersoll[4] trong anh, rằng nó biết mọi quan niệm về Chúa trời đều là ngu ngốc. Hoặc, người cha phái Dân chủ Xã hội có thể hỏi đứa con gái sáu tuổi của mình: “Ai đã viết cuốn ‘Tư bản’, con yêu?” “Karl Marx, thưa cha!” Hoặc người mẹ theo chủ nghĩa Vô trị sẽ tự hào rằng con gái mình tên Louise Michel, Sophia Perovskaya,[5] rằng nó thuộc vanh vách thơ Herwegh, Freiligrath và Shelley,[6] rằng nó có thể nhận ra hình Spencer, Bakunin hay Moses Harman[7] ở bất cứ đâu.
Những chuyện này không một chút phóng đại, mà là thực tế đáng buồn tôi đã gặp khi tiếp xúc với các bậc cha mẹ cấp tiến. Hậu quả của những phương pháp nhồi nhét định kiến vào tâm trí này là gì? Vì tâm trí con người không chịu được sự đơn điệu, chẳng ít người trẻ được nuôi dưỡng bằng những quan niệm một chiều cứng nhắc — chán ngán việc phải nhai lại niềm tin của cha mẹ — sẽ sớm theo đuổi những cảm giác mới lạ, bất kể những trải nghiệm mới lạ này hạ cấp và nông cạn đến mức nào. Thế là những cô bé cậu bé đó, nghe chán Thomas Paine rồi sẽ sà vào vòng tay của Nhà thờ, sẽ bỏ phiếu cho chủ nghĩa đế quốc chỉ để thoát khỏi sự níu kéo của chủ nghĩa quyết định kinh tế và môn khoa học chủ nghĩa xã hội, hoặc sẽ mở xưởng may và sống chết bám lấy quyền tích lũy tư sản, chỉ để được giải thoát khỏi tư tưởng cộng sản cổ hủ của cha chúng. Thế là cô bé đó sẽ cưới ngay người đàn ông tiếp theo mình gặp, miễn là hắn kiếm ra tiền, chỉ để chạy trốn khỏi những câu chuyện không dứt về quyền lựa chọn và sự đa dạng.
Những chuyện như vậy có thể làm đau lòng những bậc cha mẹ mong muốn con cái đi theo con đường của mình, nhưng tôi cho rằng chúng là những hiệu ứng tâm lý hết sức mới mẻ và đáng mừng. Chúng là sự đảm bảo to lớn nhất, rằng một tư duy độc lập sẽ luôn kháng cự lại những ngoại lực tác động lên tâm trí mình.
Một vài người sẽ hỏi, vậy còn những tâm hồn yếu đuối thì sao, chẳng phải ta nên bảo vệ chúng ư? Đúng, nhưng để làm được điều đó ta cần nhận thức được rằng, giáo dục không đồng nghĩa với huấn luyện bầy đàn. Nếu giáo dục thực sự có ý nghĩa gì, đó phải là đảm bảo những xu hướng cá nhân của trẻ được phát triển một cách tự do. Chỉ vậy, ta mới có thể hy vọng có được những cá nhân tự do và cuối cùng là một cộng đồng tự do, khiến việc ép buộc và cản trở sự phát triển của con người trở nên bất khả.
[1] Friedrich Nietzsche (1844–1900): nhà triết học nổi tiếng người Phổ.
[2] Émile Zola (1840–1902): nhà văn người Pháp.
[3] Nhân vật chính trong “Faust” — tác phẩm của Johann Wolfgang von Goethe (1749–1832) đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Độc giả có thể tìm đọc để trải nghiệm bản dịch thơ chính xác hơn.
[4] Thomas Paine (1737–1808): nhà triết học người Mỹ. Có công lập quốc ở Hoa Kỳ và có ảnh hưởng quan trọng lên Cách mạng Pháp; Ingersoll Lockwood (1841–1918): luật sư, nhà văn người Mỹ.
[5] Louise Michel (1830–1905): người Vô trị người Pháp, tham gia Công xã Paris; Sophia Perovskaya (1853–1881): nhà cách mạng người Nga, bị tử hình vì dàn dựng vụ ám sát Alexander II.
[6] Georg Herwegh (1817–1875): nhà thơ người Đức; Ferdinand Freiligrath (1810 -1876): nhà thơ, dịch giả người Đức; Percy Bysshe Shelley (1792–1822): nhà thơ, triết gia người Anh.
[7] Herbert Spencer (1820–1903): triết gia, nhà sinh vật học và nhân chủng học người Anh, tin vào thuyết Darwin Xã hội (thuyết ưu sinh); Mikhail Alexandrovich Bakunin (1814–1876): nhà cách mạng Vô trị người Nga; Moses Harman (1830–1910): giáo viên người Mỹ, đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền.