(I)An-ok Ta Chai
Giải Phóng Tuổi Trẻ
Nhìn vào cách trẻ em và người già được đối xử trong một xã hội, bạn có thể đưa ra nhiều nhận định về xã hội đó. Trong xã hội của ta, cả trẻ em lẫn người già đều thường xuyên bị cô lập khỏi các nhóm tuổi khác, bị cưỡng chế vào các cơ sở riêng biệt — trẻ em vào trường học còn người già thì vào trại dưỡng lão. Trẻ em bị tẩy não vào hệ thống còn người già thì bị lãng quên và trở nên lu mờ khi năng lực sản xuất và tiêu dùng của họ suy giảm.
Chính vì thế mà tôi tin vào công cuộc giải phóng tuổi trẻ cấp tiến. Một số người không hiểu điều này. Họ hỏi tôi: “Kỳ thị tuổi tác thì có là gì so với sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc/tư bản/nhà nước?” Đồng ý là chỉ riêng thói “kỳ thị tuổi tác” — thứ định kiến và phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác con người thì có thể không lớn lao bằng vấn đề tư bản/nhà nước. Nhưng chỉ nhìn công cuộc giải phóng thanh niên qua lăng kính “kỳ thị tuổi tác” là chưa chạm tới vấn đề chính. “Chế độ lão trị” (gerontocracy), hay sự thống trị mang tính tiếp diễn và hệ thống của người lớn lên trẻ em[1] mới là trọng tâm bài viết của tôi.
Một điều quan trọng cần nhớ: trẻ em cũng là con người như bao chúng ta. Con người ta không bỗng dưng “thành người” khi lớn đến một độ tuổi nhất định nào đó — tự khi sinh ra họ đã là người. Thế nên trẻ em cũng sở hữu những khả năng cố hữu của con người như khả năng học hỏi, trưởng thành, phát triển, hay khả năng tự định hướng cuộc sống bản thân theo cách mà các em mong muốn. Trẻ em không hiểu hết mọi chuyện, trẻ em mắc sai lầm, trẻ em cần được giúp đỡ và bao bọc, nhưng những điều này cũng đúng với toàn bộ nhân loại vậy.
Có một quan niệm được ngầm hiểu rằng người lớn là loại người hoàn hảo, toàn năng và không hề phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, còn trẻ em thì hoàn toàn ngược lại. Đây là một sự bóp méo thực tại để phục vụ cho cấu trúc xã hội nơi người lớn thống trị trẻ em. Sự bóp méo này trở nên rõ ràng hơn khi ta xét thấy ý tưởng rằng “bất cứ ai bị ốm, bị thương, thiếu hiểu biết hay là say xỉn (toàn là những trạng thái tạm thời) đều phải bị chi phối một cách hệ thống” sẽ bị người người chê cười và chối bỏ.
Nói vậy nên ta phải thừa nhận: trẻ em là nô lệ trong xã hội này. Chúng không thể tự ý tách rời khỏi gia đình mà không sợ bị bố mẹ hay nhà nước truy lùng và lôi cổ lại. Trẻ em bị buộc phải tới các trại tập trung (mà chúng ta gọi là “trường học”). Trẻ em không được từ chối hay yêu cầu được chăm sóc y tế theo ý muốn mà bắt buộc phải có người lớn quyết định hộ. Trẻ em không có quyền tự quyết đối với thời gian, cơ thể, hoạt động, hành vi hay lựa chọn của bản thân mà buộc phải tuân theo quyết định của phụ huynh và người giám hộ. Đây là sự nô dịch, một sự nô dịch toàn diện, trắng trợn và có tính hệ thống. Nền tảng của sự nô dịch này là việc sử dụng bạo lực tràn lan, sự đe dọa bạo lực, thao túng xúc cảm, hăm dọa và tẩy não.
Tinh thần của trẻ em liên tục bị dập tắt bởi thẩm quyền, cụ thể là thẩm quyền người lớn, hòng nghiền nát ý chí, đập vỡ tính cá nhân, tính bộc phát, sáng tạo, tò mò và tính tự chủ thoải mái của trẻ em. Trẻ em thường xuyên phải đối mặt với sự lạm quyền của phụ huynh, của nhà trường, nhà nước và một nền văn hoá đại chúng chăm chăm muốn nhét chúng vào khuôn mẫu, để luyện cho các em biết tuân lời, vâng lệnh, bảo gì nghe nấy.
Theo quan điểm của tôi, sự thống trị trẻ em không chỉ kinh hoàng vì những con người nhỏ bé này hoàn toàn không có quyền tự chủ, không được tôn trọng, không có danh dự, mà còn bởi vai trò trọng yếu của sự thống trị trẻ em trong một hệ thống xã hội to lớn hơn. Hệ thống này là đàn áp, khống chế và tha hóa, hệ thống này chính là nền văn minh. Sự thống trị trẻ em bẻ gãy ý chí của con người và nhồi nhét vào vào đầu họ sự lập trình chuyên chế, để về sau họ sẽ tái tạo lại những hệ thống như nhà nước, kinh tế tư bản và chế độ lão trị.
Sự thống trị trẻ em mang trong mình những tương tác quyền lực và kiểm soát cơ bản mà người vô trị chúng ta phải chủ động đối đầu. Những hành động như phục tùng, vâng lời, thống trị và sai khiến đều có phần giữa hai thái cực “phụ huynh” và “trẻ em.” Vì lẽ đó mà chúng ta cần quả quyết lên án và tấn công mối quan hệ tệ hại này, và thay vào đó ủng hộ một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, vào tự trị và tự do giao kết.
Đấu tranh cho sự giải phóng của trẻ em không phải một vấn đề đơn lẻ, không phải thứ “chính trị danh tính” đầy mặc cảm tội lỗi, nó không phải một thú vui cấp tiến hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc đấu tranh toàn diện hơn chống lại Hệ thống. Sự thống trị lên trẻ em là một hình thái nô lệ đang diễn ra quanh chúng ta. Nó có tác dụng củng cố và tái lập nhà nước cũng như mô hình tư bản và các cấu trúc quyền lực khác. Sự thống trị lên trẻ em còn mang trong mình những loại hình quan hệ nền tảng của thẩm quyền và khống chế, những thứ hoàn toàn đối lập vô trị và giải phóng. Để đánh đổ hệ thống phân cấp và khống chế rộng khắp toàn cầu này, ta cần phải công kích nó bất cứ khi nào nó hiện hình — bao gồm cả trong các mối quan hệ, đời sống, hành vi và tư tưởng, cũng như tại các đấu trường “chính trị” truyền thống hơn.
Giải phóng tuổi trẻ không phải một ý tưởng mới; nhiều người đã viết và diễn giải nó theo những cách khác nhau. Đã có một số người đang thực hành (hay ít nhất là cố thực hành) việc tôn trọng tính tự trị của trẻ em. Tôi muốn thấy cộng đồng người vô trị bênh vực trẻ em một cách bền bỉ, cố kết và nhiệt huyết. Ai cũng phải trải qua giai đoạn làm một đứa trẻ; đây cũng thường là lần đầu tiên ý chí của chúng ta bị thẩm quyền bẻ gãy. Do đó, hành động hợp lý duy nhất là biến công cuộc giải phóng tuổi trẻ thành một phần của tư tưởng vô trị. Chế độ lão trị phải bị xếp ngang hàng với kinh tế tư bản, với nhà nước, với chế độ gia trưởng, và với tư tưởng da trắng thượng đẳng — những cấu trúc quyền lực xã hội mà người vô trị chúng ta cố gắng triệt phá.
[1] Tôi dùng từ “kids” (trẻ em) trong bài viết này vì từ “young people” (người trẻ) thường chỉ người trên 18 tuổi, một nhóm đúng là có bị định kiến và bị kỳ thị nhưng lại không phải trải qua cõi nô lệ trực tiếp giống như người dưới 18 tuổi. Tôi không dùng từ “children” (trẻ con), vì tôi thấy từ này tương đương với từ “N-word” trong trường hợp này. “Childish”, “child-like”, vân vân, thường có ẩn ý rất tiêu cực hay xúc phạm. Tuy nhiên, “kids”, thường dùng để chỉ người dưới 18 tuổi thì lại có ẩn ý tích cực; do đó, tôi đã dùng từ này trong bài viết (chú thích tác giả).