Mèo Mun
Việt Nam: Những Lời Hứa Bỏ Ngỏ
Việt Nam năm 2021, mọi nơi đều được bao trùm bởi một bầu không khí lạc quan. Chiến dịch chống COVID bền bỉ của chính phủ đã giành được sự công nhận ở cả trong và ngoài nước. Nền kinh tế tăng trưởng dương một cách thần kỳ trong khi nhiều nước láng giềng khốn đốn vì đại dịch. Thế nhưng ẩn sau bầu không khí hân hoan ấy, ta vẫn thấy có điều gì nặng nề, bức bối mà không ai có thể gọi tên. Dường như có một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam: bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản — thứ chủ nghĩa Cộng sản chân chính không chút giả dối.[1]
Như Emma Goldman đã sắc sảo nhận định, chủ nghĩa Cộng sản chưa bao giờ tồn tại ở Liên Xô. Có thể nói điều tương tự về Việt Nam ngày nay: đảng cầm quyền — Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) — từ lâu đã đi chệch khỏi con đường tiến tới chủ nghĩa Cộng sản.
Trước khi Chủ tịch ĐCSVN nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 của mình (2020–2025), ông ta vẽ ra kế hoạch đầy tham vọng, mà theo đó đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia “phát triển,” sánh ngang với các cường quốc châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore. Đối với những người vô trị, đây là sự phản bội giai cấp lao động, người dân tộc bản địa và các nhóm yếu thế đã hy sinh xương máu cho cuộc cách mạng Việt Nam. Nhưng những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin với đôi mắt sáng ngời và niềm tin sắt đá vẫn luôn khẳng định, mọi thứ đều nằm trong kế hoạch và năm 2045 sẽ là năm mà cuối cùng Việt Nam cũng hiên ngang quá độ lên chủ nghĩa Cộng sản, trở thành một đất nước không giai cấp, không tiền bạc, không chính phủ.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào xã hội Việt Nam hiện nay, dễ thấy kế hoạch này chỉ là ảo ảnh. Những lời hứa này chỉ có mục đích biện minh, che đậy cho giai cấp thống trị và giai cấp tư bản tiếp tục hút cạn sức sống của Việt Nam được thêm ngày nào hay ngày ấy. Sự khác biệt giữa những điều mà nhà cầm quyền giao giảng và những thứ mà họ cho phép xảy ra khác nhau như ngày với đêm.
Những bước nhảy vọt của nền kinh tế Việt Nam đang khắc sâu thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Có bao nhiêu phúc lợi hay quy định đi chăng nữa thì cũng chẳng thể ngăn được sự tích lũy tư bản hay đảo ngược dòng chảy của cải từ tay số đông vào tay số ít. Sự bất công này lộ rõ nhất trong hệ thống sở hữu đất đai. Nhà cầm quyền Việt Nam dung túng cho bè lũ tư bản tước đoạt đất đai từ tay người nông dân nghèo hòng kiếm lợi nhuận khổng lồ trong khi chỉ phải trả những số tiền bồi thường ít đến thê thảm. Các khu biệt thự, chung cư cao cấp mọc lên như nấm sau mưa, nhưng trớ trêu thay những người bị di dời lại hiếm khi có đủ tiền để chi trả cho những ngôi nhà ấy. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, kẻ đang sở hữu khối tài sản tương đương với tài sản của 800.000 người Việt Nam, dĩ nhiên không thể xây dựng đế chế của hắn mà không có tài sản công dâng đến tận miệng.
Hệ sinh thái Việt Nam vốn đã chịu nhiều bấp bênh và các cộng đồng người dân tộc bản địa phải trả giá nặng nề cho sự phát triển kinh tế chóng mặt này. Kế hoạch cho khối ngành năng lượng cho đến năm 2045 chỉ dành một phần nhỏ cho năng lượng tái tạo, nhưng vẫn bật đèn xanh cho việc xây mới nhiều nhà máy nhiệt điện.[3] Kế hoạch này bỏ qua dấu hỏi lớn về khí thải CO2 và vô số cảnh báo về mối liên hệ giữa nhiệt điện và lớp bụi mịn PM2.5 đang bao trùm lên các thành phố lớn, đe dọa sự an toàn của hàng triệu người. Vào những năm 2010, hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ nhung nhúc mọc lên khắp các vùng núi để cứu đói năng lượng cho các thành phố lớn và các nhà máy. Đập thủy điện không chỉ cản trở mạng lưới sông ngòi và ngăn không cho phù xa chảy xuống đất nông nghiệp ở hạ nguồn, chúng còn gây ra thiệt hại không kể xiết cho cộng đồng người dân tộc bản địa trong quá trình xây dựng và vận hành. Các nhà máy năng lượng mặt trời ở Ninh Thuận cướp đi nơi chăn nuôi, trồng trọt của người Chăm địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của Việt Nam, đang phải đối mặt với mối đe dọa sống còn đến từ nhiều đập thủy điện đang được xây dựng tại thượng nguồn Thái Lan và Trung Quốc. Một mặt chính phủ thông qua kế hoạch trồng một tỷ cây xanh phủ xanh đồi trọc, mặt khác lại phê duyệt cho bè lũ tư bản biến hàng ngàn hecta đất nông trại và đất rừng thành các khu nghỉ dưỡng hay sân gôn.
Đứng sau tất cả là lòng yêu nước mãnh liệt của chủ nghĩa dân tộc — một thứ công cụ toàn năng để dập tắt mọi sự phê phán, chỉ trích Nhà nước, một thứ giá trị mơ hồ thường được lợi dụng để gạt những khó khăn của người khác qua một bên để được “khổ trước sướng sau.” Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành yếu tố tiên quyết quyết định giá trị của một công dân Việt Nam.
Chủ nghĩa dân tộc đã lát đường cho Việt Minh lên nắm quyền vào những năm 40. Chủ nghĩa dân tộc đã thúc giục hàng triệu thanh niên Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên trên bản thân, để sẵn sàng hy sinh thân mình chống trả chủ nghĩa đế quốc ngoại tộc. Từ những ngày sơ khai Đảng đã luôn chú trọng nuôi dưỡng lòng yêu nước của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc có mặt trong giáo án dạy trẻ em, trong văn thơ, âm nhạc, tranh ảnh nghệ thuật và dĩ nhiên là trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói, thành công to lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là đánh tráo được danh tính dân tộc với lòng trung thành với Đảng. Các nhà tư bản Việt Nam hiện nay như Vingroup hay BKAV đã nằm lòng đường lối tuyên truyền của Đảng và đưa các yếu tố của chủ nghĩa dân tộc này vào hoạt động tiếp thị sản phẩm.
Trớ trêu thay, dù những người theo chủ nghĩa dân tộc tuyên bố rằng mình kế thừa cuộc cách mạng “Cộng sản” của Việt Nam, họ lại là nhóm tiên phong chống lại mọi tư tưởng cấp tiến như bảo vệ động vật, cách mạng giải phóng giới và xu hướng tình dục, quyền tự chủ tự quyết của người dân địa bản địa, phi hình sự hóa lao động tình dục và đoàn kết với các cuộc đấu tranh quốc tế, như ở Hồng Kông hay Myanmar. Không ngạc nhiên khi bè lũ chủ nghĩa dân tộc biến thành một thế lực phản động, phản cách mạng, ngụy trang thân mình trong màu cờ đỏ.
Một số nhóm dưới dễ bị tổn thương bởi chủ nghĩa dân tộc:
-
Người thuộc cộng đồng queer,[4] vốn luôn chịu sự phân biệt đối xử trong xã hội Việt Nam. Những tiến bộ gần đây trong cách mạng giải phóng giới, xu hướng tình dục chủ yếu đến từ nhân tố Tự do,[5] như tháng Tự hào — vốn chỉ là hình thức marketing trá hình cho các công ty trong và ngoài nước. Những thay đổi trọng yếu hơn như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay nhu cầu y tế của người chuyển giới liên tục bị trì hoãn, để ưu tiên cho nhiều vấn đề “cấp bách hơn.”
-
Lao động tình dục, những người luôn bị kỳ thị và cảnh sát săn đuổi. Trong một xã hội Việt Nam gia trưởng, các công việc có yếu tố tình dục không được công nhận là công việc, mà chỉ là một sự băng hoại đạo đức cần bị loại bỏ. Ngoài ra, lao động tình dục thường xuyên bị đổ lỗi cho sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV. Vậy nên người lao động tình dục, đặc biệt là người lao động tình dục thuộc cộng đồng queer, thường xuyên bị đẩy ra rìa xã hội.
-
Cộng đồng dân tộc bản địa, những người vốn đã luôn phải hứng chịu gánh nặng của những chính sách bành trường của người Kinh từ thời phong kiến, không hề thấy an toàn dưới sự cai trị “chống đế quốc” của Nhà nước đương thời. Tệ hơn, sự áp bức mà họ phải đối mặt đang dần leo thang, khi nhà nước có được các công cụ tân tiến và hiệu quả hơn để vô hiệu hóa bất kỳ sự kháng cự nào, cũng như chủ động tuần tra, kiểm soát gắt gao các cộng đồng người dân tộc bản địa
Ở nước ngoài, nhiều kẻ biện minh cho thứ “chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam luôn tự che mắt mình trước những triệu chứng này, bởi sự phát triển nhà nước “xã hội chủ nghĩa” yêu thích của chúng quan trọng hơn tất thảy. Điều này cho thấy sự thờ ơ và thiếu hiểu biết về cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn của người dân Việt Nam, cũng như sự dung túng cho chủ nghĩa tư bản, chừng nào nó còn được ngụy trang trong màu cờ đỏ và những tuyên bố đanh thép chống lại tham vọng đế quốc của “phương Tây,” đặc biệt là nước Mỹ, kể cả khi mọi dấu hiệu đều cho thấy chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ nằm trong kế hoạch.
Cuối cùng, tồn tại được trong xã hội này đã là một chiến thắng, vậy nên Mèo Mun muốn hoà chung tiếng nói với những người Việt cấp tiến. Chúng tôi hướng tới những người lao động, những người trẻ đã, đang, và sẽ phải chịu sự áp bức của chủ nghĩa Tư bản, của tầng lớp cai trị. Để rồi một ngày, ta có thể phá tan những xiềng xích đang trói buộc mình.
[1] Lấy cảm hứng từ lời của Marx trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. (Mọi chú thích trong bài đều là của người dịch).
[2] Búa liềm vốn là biểu tượng cho liên minh giữa người lao động và nông dân cùng nhau chống lại tư bản
[3] Là nhà máy sử dụng năng lượng đốt của nguyên liệu để tạo ra điện.
[4] Những người thuộc cộng đồng LGBTQ, thường không phải người hợp giới dị tính.
[5] Tiếng Anh: liberal elements. Chỉ những người tin vào chủ nghĩa tự do. Tuy vậy họ vẫn tin vào thể chế do nhà nước cai trị. Lưu ý, không nhầm với chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism).